Thứ Tư, 9/10/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Sáu, 13/3/2020 9:48'(GMT+7)

Những mô hình gắn kết cộng đồng

Một buổi sinh hoạt tại Thuận Tân Hội quán.

Một buổi sinh hoạt tại Thuận Tân Hội quán.

Ấp Tân Dân, xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh), giờ đây đã trở thành địa điểm lý tưởng dành cho du khách gần xa khi muốn tìm về một không gian sinh thái bình yên. Men theo con đường rợp bóng xoài ở ấp Tân Dân, chúng tôi tìm đến Thuận Tân Hội quán, một trong số những hội quán nông dân đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp. Tại đây, anh Hai Tánh, Phó chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán đang cùng bà con nông dân sơn lại cánh cửa chính, trồng thêm hoa làm đẹp con đường chung. Anh chia sẻ, chỉ trong ba năm mà Hội quán đã giúp quê tôi có nhiều thay đổi, tình làng nghĩa xóm gần gũi, người dân cùng xây dựng lợi ích cộng đồng.

Còn nhớ, trước đây nhiều tuyến đường tưởng chừng khó cải thiện chỉ vì một vài mâu thuẫn nhỏ. Thí dụ như, một đoạn đường dài 400 m không thể làm được chỉ vì… vướng một cây xoài. Thành viên Hội quán họp bàn phương cách làm sao có lợi cho dân mà vẫn được việc của cộng đồng. Hội quán đã tổ chức một buổi trò chuyện giữa các hộ dân, những lợi ích chung, riêng được cân nhắc và mọi chuyện diễn ra êm thấm. Từ đó, niềm tin dần nhân lên. Người dân phát sinh mâu thuẫn cũng tìm đến Hội quán để giãi bày, hóa giải. Ông Đỗ Văn Quyến, hội viên Hội quán tươi cười nói: Nhiều cặp vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt” đều được chúng tôi khuyên bảo thành công, bỏ qua những chuyện không vui. Mỗi thành viên hội quán đều cảm thấy ý nghĩa từ những lời khuyên, việc làm của mình.

Thuận Tân Hội quán hiện có hơn 50 hội viên, trong đó có 12 đảng viên, các thành viên tham gia sinh hoạt định kỳ hằng tháng, thăm hỏi nhau, chia sẻ những khó khăn, giúp nhau kinh nghiệm làm kinh tế. Hội quán hoạt động theo nguyên tắc “không gian mở” để mọi người dân có nhu cầu đều có thể tham gia, góp phần thêm gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Hội quán đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Vận động người dân làm công trình phúc lợi xã hội, trồng cây làm đẹp cảnh quan, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa trong sinh hoạt… Bên cạnh đó, Hội quán phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cách làm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng,… Qua đó, người dân đã ý thức hơn trong cách nghĩ, cách làm để quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tại huyện Cao Lãnh, mô hình tổ nhân dân tự quản (NDTQ) nhằm phát huy vai trò tự quản của người dân đã góp phần giữ bình yên xóm, phố. Huyện ủy Cao Lãnh chỉ đạo tất cả đảng viên ở ấp, khóm phải tham gia sinh hoạt tổ NDTQ; Bí thư Đảng ủy xã có trách nhiệm phân công đảng viên dự sinh hoạt. Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh Huỳnh Thị Hoài Thu khẳng định: Tổ NDTQ là mô hình có ý nghĩa tại cộng đồng, được xem như cầu nối giữa tổ chức đảng với quần chúng nhân dân, góp phần để công tác dân vận đạt hiệu quả hơn. Qua đó tạo được sự quan tâm, gần gũi giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân, giúp các hộ dân tiếp cận nhanh hơn các chủ trương của Đảng, góp phần tích cực xây dựng thành công nông thôn mới trên toàn huyện.

Tổ NDTQ số 2, ấp Tân Trường, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh là một trong những tổ NDTQ được thành lập sớm nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tiếp xúc với người dân nơi đây mới hiểu vì sao mô hình này được nhiều hộ dân tích cực tham gia đến vậy. Tổ NDTQ số 2 có gần 30 hộ dân (hộ thành viên của tổ), chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Tổ sinh hoạt một lần/tháng, nội dung trao đổi là những vấn đề liên quan cuộc sống của người dân trên địa bàn. Mỗi khi có vướng mắc nảy sinh, các thành viên nêu vấn đề trong những lần họp tổ để cùng tìm giải pháp tháo gỡ. Chẳng hạn như hóa giải mâu thuẫn, giúp đỡ hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hay cùng nhau làm đẹp đường quê... Tổ đã vận động hội viên góp vốn xây dựng một tuyến đường điện thắp sáng đường quê, chiều dài hơn 300 mét. Mô hình tổ NDTQ giờ đã được định hình rõ nét và phát triển khá mạnh trên địa bàn các huyện, thị xã biên giới. Tại huyện Hồng Ngự, nhiều hộ dân là thành viên tổ NDTQ ở thị trấn Thường Thới Tiền, xã Thường Lạc đã tự nguyện đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát tại các khu vực dân cư, chợ, trục lộ nông thôn. Nhờ đó, lực lượng công an và người dân dễ dàng phát hiện những vụ việc gây mất trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng trộm cắp, buôn lậu.

Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có gần 90 hội quán, với gần 5.000 hội viên và hơn 12.500 tổ NDTQ, với hơn 428 nghìn hộ gia đình thành viên tham gia sinh hoạt, đã từng bước làm cho người dân thay đổi nếp nghĩ, thói quen sinh hoạt và tập quán làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, hình thành mô hình “liên kết, hợp tác và tự quản”. Hoạt động của mô hình hội quán và tổ NDTQ đã giúp cho tình làng, nghĩa xóm thêm gắn kết chặt chẽ. Người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, tham gia các hoạt động công tác xã hội có sự chủ động, tích cực hơn. Đồng chí Lê Thành Công, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp khẳng định: Công tác dân vận đã động viên, khuyến khích và phát huy vai trò tự quản của người dân thông qua các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư, trong đó, các mô hình hội quán, tổ NDTQ, góp phần thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đánh giá: Các mô hình tại cộng đồng có vai trò rất hiệu quả trong việc góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân, làm đa dạng, phong phú thêm các hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất