Thứ Sáu, 27/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 21/2/2015 20:56'(GMT+7)

Những nét đẹp văn hóa truyền thống đầu năm của đồng bào vùng cao Tây Bắc

Huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) có hai ngôi Đền thiêng từ thế kỷ 17 của bà con dân tộc vùng thượng nguồn sông Đà là Đền Linh Sơn Thủy Từ và Đền Nàng Han. Trong tâm thức của mỗi người dân tộc Tây Bắc xưa và nay, Nàng Han là niềm tự hào, là hiện thân của khát vọng hòa bình.

Cùng với khu “long mạch” của huyện lỵ Quỳnh Nhai mới tại đồi Pu Nghịu, xã Mường Giàng, Đền thờ Nàng Han được phục dựng từ tháng 10/2011 đến tháng 5/2012 hoàn tất. Đền Nàng Han phía mặt tiền hướng về phía mặt trời mọc, ven hồ Sông Đà. Đền gồm 3 gian có diện tích khoảng 31 m2. Đền thờ Linh Sơn Thủy Từ, đền thờ thần sông, thần suối được xây mới gồm 3 gian có diện tích 64,68m2. Những nhà phục dựng đã di dời và đặt lại 4 viên đá cổ (nằm sâu dưới đất 2m) vào khu vực đền khôi phục lại, để đáp ứng nguyện vọng bà con có nơi thờ tự mới.

Theo truyền thuyết, Nàng Han là con gái một tộc trưởng ở Chiềng Phung (Quỳnh Nhai ngày nay). Nàng có tài kiếm, cung vô địch. Nàng xin cha được giả trai và luyện tập cùng quân lính. Nàng Han đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược đến từ phương Bắc. Chỉ với cung tên, giáo mác vót từ tre nứa, đội quân do Nàng Han chỉ huy đã đánh đuổi quân giặc khỏi bờ cõi. Lúc Nàng Han và quân sĩ đuổi giặc xong đã là trưa 30 Tết. Nàng Han ban lệnh cho toàn thể quân sĩ nghỉ ngơi, tắm gội để mừng chiến thắng và đón năm mới. Kể từ đó ở Quỳnh Nhai và các vùng người Thái trắng sinh sống ở Tây Bắc hình thành tục lệ Lung Ta (xuống bến sông tắm gội chiều 30 Tết), còn gọi là lễ gội đầu của người Thái trắng. Truyền thuyết về Nàng Han là bản anh hùng ca lịch sử hào hùng của dân tộc Thái và một số dân tộc khác ở Tây Bắc. Đ ền thờ Linh Sơn Thủy Từ và Đền thờ Nàng Han là các giá trị văn hóa nền tảng lâu đời của các dân tộc huyện Quỳnh Nhai, đã được phục dựng sau khi Quỳnh Nhai thực hiện di chuyển dân tái định cư đến nơi ở mới.

Bà Lò Nàng Tánh ở bản Chẩu Quân, xã Mường Giàng, chia sẻ: Trước đây đền Nàng Han ở quê cũ được bà con đến lễ vào chiều 30 Tết, sau đó mới xuống bến sông gội đầu. Người xưa truyền lại rằng: những năm bản mường có giặc, mỗi khi xuất trận, người dân lại tổ chức cúng Nàng Han tại miếu để xin Nàng phù hộ cho thắng trận. Ngày nay, thanh niên đi bộ đội, xuất hành đi học xa nhà, đi buôn, đi bán xa quê đều sắp lễ xin Nàng Han ban cho an lành, sức khỏe và may mắn, thành đạt.

Cùng với việc phục dựng và đáp ứng nhu cầu về tâm linh của bà con ở Sơn La, tháng 9/2001, tỉnh Sơn La chọn hang Di tích lịch sử có văn bia “Quế Lâm ngự chế” để xây đền Quế Lâm linh từ. Đây là nơi ghi dấu chiến công của vị Vua trẻ hùng tài Lê Thái Tông đã hai lần lên miền sơn cước dẹp quân phản loạn giữ bình yên cho bờ cõi giang sơn. Trên đường về, Vua cùng quân sỹ nghỉ chân tại động La (địa phương còn gọi là hang Thẩm Ké, hang trai già). Thấy nơi đây cảnh đẹp, tâm hồn phấn chấn Nhà vua đã cảm hứng ứng tác bài thơ mang nhan đề : “Quế Lâm ngự chế” khắc lên vách đá thẳng đứng trên cửa động. Với ước n guyện tìm sự may mắn và bình an trong năm mới, những ngày Tết, ngày lễ, đông đảo nhân dân khắp nơi trong huyện và tỉnh Sơn La đều về đây dâng hương bày tỏ tấm lòng thành kính trước đền thờ, cầu xin một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sung túc trong năm.

Đi lễ đền thờ vua Lê Thái Tông tại thành phố Sơn La cũng như đến bên hồ Sông Đà dâng lễ Linh Sơn Thủy Từ và Đền thờ Nàng Han đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu giữ trong tiềm thức của nhân dân tộc ở vùng cao Tây Bắc ./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất