Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có PGS. TS. Hồ Trọng Hoài, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học và trên 50 nhà khoa học thuộc nhiều thế hệ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu lý luận trong và ngoài Học viện. Trong đó, có 30 bản tham luận và ý kiến được gửi đến Ban Tổ chức, tham gia Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Mạnh Thắng
|
Báo cáo đề dẫn do PGS. TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện nêu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo, nhằm xác định những luận cứ lý luận và thực tiễn để chỉ ra những nhân tố XHCN trong thế giới đương đại; khẳng định, quá độ lên CNXH vẫn là xu thế khách quan của thời đại, và qua đó, góp phần củng cố niềm tin khoa học, kiên định mục tiêu CNXH của Đảng và nhân dân ta.
Theo đó, các tham luận tập trung đề cập và làm sâu sắc thêm một số khía cạnh: Thứ nhất, xác định rõ, nghiên cứu về nhân tố XHCN và triển vọng của CNXH trong thế giới đương đại cần đứng vững trên lập trường duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Coi đây là nguyên tắc, là cơ sở, phương pháp luận quan trọng có giá trị định hướng khoa học, tạo nên sự thuyết phục, mới mẻ và sáng tạo trong quá trình đánh giá, dự báo về một xã hội XHCN trong tương lai. Thứ hai, luận chứng rõ hơn, sau 30 năm, khi chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, CNXH hiện thực vẫn tiếp tục cải cách, đổi mới và đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, trái với những dự đoán của các chuyên gia tư sản và những mong muốn của các thế lực thù địch về sự thất bại, cáo chung của CNXH. CNXH hiện thực trên cơ sở CNXH khoa học sáng tạo, phát triển, luôn có nhu cầu và khả năng tự điều chỉnh, đổi mới và phát triển, nên triển vọng tương lai và tiền đồ của CNXH là rất sáng sủa. Thứ ba, sự vận động, phát triển của CNTB hiện đại tiếp tục tạo ra các điều kiện, nhân tố XHCN và chính nó đang gợi mở các giải pháp thúc đẩy triển vọng của CNXH trong tương lai. Điển hình như ở các nước G7 và Bắc Âu thuộc các nước tư bản phát triển, các nhân tố XHCN đang được tạo ra và hiện hữu một cách khá sinh động trên các lĩnh vực đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến quan hệ đối ngoại. Ngay trong lòng các nước tư bản, dù ở trình độ phát triển nào, dù ở nước phát triển hay nước nghèo, nước đang phát triển, các nhân tố XHCN, các lực lượng XHCN vẫn bền bỉ tìm kiếm, thể nghiệm các hình thức, phương pháp đấu tranh phù hợp vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, dân chủ và CNXH, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Thứ tư, những nhân tố XHCN dưới các hình thức do thế giới đương đại tạo ra là cơ sở, điểm tựa quan trọng cả về vật chất và tinh thần để Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng CNXH. Đó chính là sự lựa chọn của lịch sử, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế vận động khách quan của thời đại. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để đổi mới, hội nhập thành công và xây dựng CNXH thắng lợi, nhất thiết phải xây dựng lực lượng ngang tầm với nhiệm vụ, phải kế thừa, thâu thái được tất cả những cái hay, cái tốt của nhân loại, nhất là những giá trị văn minh và những “vật liệu”, những nhân tố XHCN đã được CNTB chuẩn bị ngày càng nhiều và đầy đủ hơn trong thế giới đương đại.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Mạnh Thắng
|
Thông qua những khía cạnh như vậy, Hội thảo đã làm sáng tỏ thêm một số vấn đề quan trọng về nguyên tắc, phương châm và phương pháp nghiên cứu để nhận thức đánh giá khách quan, khoa học, biện chứng về CNTB, về nhân tố XHCN và triển vọng của CNXH trong thế giới đương đại; những biểu hiện, xu hướng vận động, các nhân tố XHCN trong thế giới đương đại; những ảnh hưởng tác động của nhân tố XHCN trong thế giới đương đại với công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay; gợi mở, đề xuất những ý tưởng, luận cứ để đưa ra các dự báo phục vụ việc xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; những giải pháp, định hướng để tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về CNTB hiện đại các nhân tố XHCN và triển vọng của CNXH trong thế giới đương đại.
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Hồ Trọng Hoài, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học đánh giá cao ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và nhiệt tình của các nhà khoa học, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, tình cảm đối với Hội thảo và đối với CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng. Kết quả hội thảo có tác dụng tích cực, giúp cho các nhà nghiên cứu về CNXH nói chung, các cán bộ, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng như cán bộ, giảng viên Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng có thêm luận cứ, ý tưởng, phương pháp luận củng cố thêm niềm tin vững chắc vào CNXH trong nghiên cứu và giảng dạy.
Hội thảo đã đạt được mục tiêu và các nhiệm vụ đề ra. Kết quả Hội thảo đáp ứng sự kỳ vọng của lãnh đạo Học viện và sự quan tâm thiết thực của cán bộ, giảng viên, nhất là lớp cán bộ, giảng viên trẻ hiện nay.
Sau Hội thảo, là Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (1964-2019), Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo./.
PV