Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 1/10/2018 21:56'(GMT+7)

Những nội dung chính trong buổi họp báo Chính phủ tháng Chín

.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong quá trình điều hành, quản lý, Ngân hàng Nhà nước liên tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những quy định về cho vay, trong đó có những văn bản quy định về cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN và có ban hành một văn bản riêng đối với tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đang tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa; phát triển về tài chính vi mô, mở rộng mạng lưới của ngân hàng chính sách xã hội đối với hộ nghèo, người dân có thu nhập thấp...

Trong điều hành hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để rà soát, nắm bắt tình trạng tín dụng đen; đã báo cáo, kiến nghị với Chính phủ có chỉ đạo, giải pháp chung về tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen tràn lan.

Quản lý hiệu quả đất quốc phòng

Trước câu hỏi của báo giới về việc 14 ha đất quốc phòng ở Hải Phòng bị lấn chiếm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đến thời điểm này, Văn phòng Chính phủ chưa nhận được bất cứ báo cáo nào của thành phố Hải Phòng liên quan đến diện tích đất này.

Nếu có báo cáo của thành phố Hải Phòng, Văn phòng Chính phủ sẽ tập hợp, báo cáo Thủ tướng theo quy định của pháp luật.

“Về nguyên tắc, đất đai thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước. Đất quốc phòng là Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng quản lý để xây dựng công trình quốc phòng phục vụ công tác bảo vệ và xây dựng đất nước, bất cứ tổ chức, cá nhân nào lấn chiếm phạm vi đất quốc phòng đều vi phạm pháp luật," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vừa qua, Bộ Quốc phòng đã sử dụng rất tốt diện tích đất đã giao cho quân đội, việc xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng các căn cứ, công trình quốc phòng gắn với phát triển kinh tế xã hội, quá trình quản lý đều rất hiệu quả.

Trả lời nhiều vấn đề nóng, dư luận quan tâm

Cũng tại họp báo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, trả lời về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như: xóa bỏ độc quyền in ấn sách giáo khoa; phương án cho BOT Cai Lậy (Tiền Giang); phương hướng hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước mới ra mắt; công tác điều tra, xử lý vụ việc xảy ra tại chợ Long Biên...

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Công an cho biết sẽ điều tra, xử lý vụ việc xảy ra tại chợ Long Biên.

"Nếu có cá nhân, tổ chức bảo kê, sẽ xử lý nghiêm minh," Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết Bộ Công an sẽ tiếp nhận thông tin từ nhiều phía để chỉ đạo Công an Hà Nội kết luận vụ việc một cách sớm nhất và đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về tình trạng độc quyền sách giáo khoa nhiều năm nay gây nhiều hệ lụy, việc viết trực tiếp vào sách gây lãng phí lớn hàng năm cho ngân sách, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định chính thức giao cho 5 nhà xuất bản được in ấn sách giáo khoa.

Sắp tới, việc xóa độc quyền sẽ được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đó là tổ chức một chương trình có nhiều sách giáo khoa, theo đó huy động các nguồn lực xã hội hóa để in ấn sách giáo khoa.

Về vấn đề BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ Giao thông vận tải vẫn đang thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp thường trực Chính phủ tháng 4/2018 trên cơ sở báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về các phương án để phân tích, đánh giá, lấy ý kiến của bộ, ngành, so sánh để áp dụng phương án phù hợp nhất.

Liên quan đến việc ùn tắc, mất trật tự tại trạm BOT, ông Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, theo chỉ đạo của Thủ tướng, không chỉ riêng trạm Cai Lậy mà với tất cả các trạm thu phí đều phải đảm bảo trật tự an ninh trong khu vực đó, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn giao thông, đảm bảo trật tự.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa ra mắt chiều 30/9. Trả lời câu hỏi của báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết khi xây dựng đề án thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mục tiêu của Chính phủ là xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi,” khi mà các bộ chuyên ngành vừa ban hành các chính sách trong lĩnh vực đó, đồng thời trực tiếp quản lý các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

"Ủy ban chỉ thực hiện việc giám sát vốn đó có được các doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả hay không, có khả năng, nguy cơ thất thoát hay không để từ đó triển khai các biện pháp can thiệp. Ủy ban cũng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp," Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho hay./.

 

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất