(TG) - Hiện nay, đối tượng tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên (BCV) ở Quảng Ninh có trình độ, học vấn, nhận thức ngày càng cao và thường xuyên được tiếp nhận thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng và từ nhiều nguồn khác. Vì vậy, để thuyết phục người nghe, BCV cần có năng lực tư duy nhạy bén, lập trường tư tưởng vững vàng, biết phân tích, chọn lọc thông tin trong hoạt động của mình.
Nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên
Trong những năm qua, chất lượng đội ngũ BCV tỉnh Quảng Ninh được nâng cao đóng góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền Tổ quốc và hòa bình, ổn định, phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế như: Việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai chỉ thị, nghị quyết còn hình thức, hiệu quả chưa cao; đội ngũ cán bộ làm công tác TTM còn chắp vá, trình độ, năng lực hạn chế; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác TTM còn nhiều khó khăn đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp để khắc phục.
Tính đến ngày 31/12/2018, toàn địa bàn tỉnh có 545 báo cáo viên (BCV) cấp ủy (cấp tỉnh, cấp huyện), trong đó, BCV cấp tỉnh có 70 đồng chí; BCV cấp huyện có 475 đồng chí. |
Số lượng đội ngũ BCV cấp ủy tỉnh Quảng Ninh đến nay đã đủ so với chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, đối với một tỉnh có 2 huyện đảo và các huyện thuộc vùng sâu, vùng khó khăn như Quảng Ninh thì số lượng đội ngũ BCV cần so với chỉ tiêu được giao còn thiếu. BCV phải thường xuyên đi xuống các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh để tuyên truyền; đối với các huyện đảo, vùng sâu đi lại xa xôi cần tăng cường hơn nữa BCV đến tuyên truyền. Nhưng với số lượng BCV cấp ủy hiện nay thì chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Vì khi đến các huyện đảo, xã đảo, huyện vùng sâu tuyên truyền BCV mất nhiều thời gian hơn ở thành phố, các huyện, thị trung tâm, trong khi đó các BCV đều kiêm nhiệm, nếu dành nhiều thời gian đi tuyên truyền thì công việc chuyên môn sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, ngoài tăng cường BCV cấp tỉnh, thì đối với một số huyện như Cô Tô, Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ cần bổ sung thêm BCV từ 5-7 đồng chí.
Đội ngũ BCV cấp ủy tỉnh Quảng Ninh được đánh giá cao về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn có BCV chưa thực hiện tốt sự nhất quán và thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa nhận thức và hành động, giữa lý luận và thực tiễn. Một số BCV do quá trình công tác thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã vi phạm bị kỷ luật nên đã ảnh hưởng tới uy tín của BCV dẫn đến trong quá trình tuyên truyền không có tính thuyết phục. Một số BCV chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền là do được phân công, do kiêm nhiệm. Chính vì vậy ảnh hưởng tới mục đích tuyên truyền.
Về năng lực chuyên môn, một số BCV chưa tích cực rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ công tác TTM; chưa chủ động tìm tòi, nghiên cứu để phục vụ công tác TTM; còn né tránh những vấn đề nhạy cảm nảy sinh từ thực tiễn mà dư luận đang quan tâm, nên chưa tạo được sự lôi cuốn và thuyết phục người nghe. BCV vẫn nặng về cơ cấu, vị trí, chưa thực sự lựa chọn người có tâm huyết, khả năng, uy tín nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
Khả năng diễn thuyết của một số BCV còn hạn chế; chưa dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, tìm hiểu đầy đủ những nội dung tuyên truyền nên khi truyền đạt còn khá lúng túng, còn thiếu tính thuyết phục, nhiều BCV cấp huyện liên hệ chưa sát thực tế, hay nói về bản thân mình hơn nói về trọng tâm. Dẫn đến nhiều buổi triển khai nghị quyết, báo cáo chuyên đề, thông tin thời sự trở nên nhàm chán, không thuyết phục đối tượng người nghe.
Hiện nay, đối tượng tuyên truyền của đội ngũ BCV có trình độ, học vấn, nhận thức ngày càng cao và thường xuyên được tiếp nhận thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng và từ nhiều nguồn khác. Để thuyết phục người nghe, BCV cần có năng lực tư duy nhạy bén, lập trường tư tưởng vững vàng, biết phân tích, chọn lọc thông tin trong hoạt động của mình. Thực tế trên, xuất hiện các vấn đề về yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ BCV về trình độ, năng lực của hệ thống BCV, liên quan trực tiếp đến việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ BCV. Mâu thuẫn này dẫn đến chất lượng hoạt động của BCV trong tỉnh về cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu tuyên truyền trong tình hình mới.
Mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn, nghiệp vụ của hoạt động TTM với sự kiêm nhiệm của BCV. 100% BCV cấp ủy tỉnh Quảng Ninh đều thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm. Do vậy, tồn tại mâu thuẫn giữa nhu cầu tập trung thời gian cho việc thu thập thông tin, chuẩn bị báo cáo, hoạt động tuyên truyền với thời gian thực tế của BCV dành cho hoạt động tuyên truyền.
Trong thời gian qua, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động và triển khai một cách bài bản khi sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị một cách tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Vì thế, nhiều vị trí việc làm đã thay đổi nên dẫn đến việc đội ngũ BCV bị biến động. Việc bổ sung phải qua các thủ tục quy định nên thường không kịp thời, dẫn đến BCV có thời điểm đã bị thiếu về số lượng. Vấn đề này đặt ra, mẫu thuẫn đòi hỏi chất lượng hoạt động tuyên truyền của đội ngũ BCV với tình trạng không ổn định số lượng BCV đỏi hỏi cần đội ngũ BCV chuyên trách, chuyên sâu từ tỉnh đến cơ sở.
Khả năng sử dụng các phương tiện hiện đại, phương pháp tuyên truyền của một số BCV còn hạn chế; trình độ ngoại ngữ thấp, còn có BCV chưa mạnh dạn, tự tin đối thoại với người nghe, chưa chủ động làm chủ buổi thuyết trình khiến người nghe cảm thấy nhàm chán, buồn tẻ. Hiện tượng này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động BCV thiếu tính chiến đấu trong phê phán thông tin sai lệch, bịa đặt với dụng ý xấu…
Rèn luyện phẩm chất, tu dưỡng đạo đức đối với đội ngũ báo cáo viên
Thực tiễn cho thấy, phẩm chất của BCV có ảnh hưởng quan trọng tới hiệu quả tuyên truyền của BCV. Đứng trước sự thay đổi nhanh, mạnh của tỉnh Quảng Ninh và trình độ dân trí của cán bộ, Đảng viên và nhân dân ngày càng nâng cao đó là những thách thức đối với đội ngũ BCV cấp ủy trong thời gian tới.
Trước tiên BCV phải nâng cao phẩm chất đạo đức của cá nhân để xây dựng uy tín cho bản thân trong quá trình hoạt động. Thông qua uy tín, các thông tin BCV truyền đạt tới đối tượng sẽ có giá trị hơn, người nghe sẽ tin tưởng và nghe theo định hướng của người BCV. Cụ thể, người BCV phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lựa trọn và lãnh đạo; có trình độ lý luận, am hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác –Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; có đạo đức cách mạng trong sáng, là tấm gương mẫu mực về cần kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong công việc chuyên môn cũng như trong cuộc sống cá nhân để cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân noi theo.
Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền
Trong thời đại bùng nổ thông tin và hội nhập thế giới như hiện nay thì yêu cầu đặt ra là phải tiếp nhận, xử lý thông tin nhanh nhạy, sâu sắc, đồng thời triển khai thông tin nhanh, chính xác mới có thể “chớp lấy thời cơ” để “đi tắt đón đầu”; trong điều kiện thông tin đa dạng, nhiều chiều, BCV đồng thời phải tiếp nhận nguồn thông tin song bên cạnh đó cũng cần chọn lọc thông tin chính thống, xử lý thông tin nhanh nhạy, kịp thời để tuyên truyền. BCV là người trực tiếp tuyên truyền, thuyết phục, vận động và hướng dẫn cán bộ, Đảng viên và nhân dân có nhận thức đúng, để từ đó có hành động đúng đắn, nắm vững và thực hiện thắng lợi đường lối, nghị quyết của Đảng. Do vậy, người BCV cần có kiến thức, trình độ để có năng lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mình để có thể thuyết phục người nghe hiểu và làm theo đường lối của cấp ủy Đảng.
Về nội dung hoạt động của BCV, xuất hiện mâu thuẫn giữa thông tin đa dạng trong thời đại ngày nay với việc BCV lựa chọn thông tin mang tính định hướng. BCV nếu không biết chọn lọc thông tin trình bày bài nói thì hoạt động tuyên truyền sẽ không thuyết phục người nghe, nội dung thông tin không chính xác, lạc hậu với đối tượng nghe. Vì vậy, đòi hỏi BCV ngoài nội dung tài liệu được cung cấp cần thường xuyên cập nhật thông tin qua các kênh thông tin chính thống của Đảng (báo điện tử, báo in…). Thông tin chính thống cần nói, thông tin tham khảo sẽ vận dụng trong lúc thuyết trình; chắt lọc thông tin sao cho thông tin mang tính cổ động, rõ nghĩa tránh nói dài dòng, biên soạn đề cương sao cho logic, đảm bảo tính khoa học, tính Đảng, tính định hướng, tính chiến đấu, BCV phải có năng lực nhất định mới hoàn thành giai đoạn chuẩn bị quan trọng này.
Về phương thức hoạt động của BCV, BCV định kỳ được ngành dọc cấp trên cung cấp tài liệu, thông tin đầy đủ tuy nhiên đã giảm tính thời sự. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh tổ chức thông tin bằng hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến các xã, thị trấn. Ưu điểm: thông tin nhanh từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên có mặt hạn chế: một là, do hội nghị trực tuyến nên hạn chế một số thông tin nội bộ, thông tin một chiều không có đối thoại giữa người nói và người nghe, hai là, cùng một hội nghị nhưng có nhiều đối tượng, giai cấp, tầng lớp nhân dân nghe do vậy chất lượng nghe, hiểu của đối tượng về nội dung thông tin tuyên truyền đạt thấp.
Từ sự mẫu thuẫn giữa việc lựa chọn thông tin chính thống, yêu cầu cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, đầy đủ cho BCV với sự bất cập nội dung, phương thức cung cấp thông tin hiện nay đã ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của đội ngũ BCV làm nhiệm vụ tuyên truyền; dẫn đến hệ quả văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thông tin thời sự trong nước, quốc tế được tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, Đảng viên và nhân dân thông qua BCV không nhanh bằng các phương tiện truyền thông như báo internet và các trang mạng xã hội khác.
Tạo điều kiện về cơ chế chính sách đối với đội ngũ BCV cấp ủy
Các chế độ, chính sách hoạt động của BCV ở tỉnh Quảng Ninh thời gian qua được thực hiện theo quy định chung của Đảng và Nhà nước, trên thực tế đã bộc lộ nhiều bất cập. Đến nay, chế độ phụ cấp này đã bộc lộ sự bất hợp lý, có sự cào bằng giữa các BCV hoạt động ở mức độ khác nhau. Các BCV hoạt động nhiều cũng được hưởng chế độ như người hoạt động ít. Thậm chí, có BCV cả năm không tham gia hoạt động thuyết trình vẫn được hưởng chế độ. Những mâu thuẫn trên được rút ra từ thực trạng hoạt động của BCV là những vấn đề cần được xem xét vấn đề đặt ra này như là một động lực thúc đẩy, kích thích hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo của hoạt động BCV, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ BCV ở tỉnh Quảng Ninh.
Nguyễn Vũ Vân Anh