Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 21/10/2014 9:53'(GMT+7)

Những ý kiến tâm huyết của cử tri cả nước

Hôm qua, 20-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Ngay sau khi nghe, theo dõi báo cáo nêu trên, nhiều cử tri cả nước đã gửi tới Báo Nhân Dân những ý kiến tâm huyết, kiến nghị và đề xuất giải pháp về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu những ý kiến đó.

Vẫn lãng phí, dàn trải trong đầu tư công

Tình trạng lãng phí, dàn trải trong đầu tư công rất đáng lo ngại. Việc đầu tư các công trình, như: bảo tàng, nhà văn hóa, trụ sở làm việc rất hoành tráng nhưng hiệu quả sử dụng thấp. Cơ quan nào, ngành nào cũng có trụ sở riêng rất to, có nhiều trụ sở vừa sửa chữa xong lại đập bỏ để chuyển đi nơi khác.

Trong khi đó, tại các xã miền núi khó khăn, nhiều tuyến đường, đập thủy lợi bị ngưng trệ thi công do thiếu vốn. Cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng được trả lời là phải đợi vốn. Công trình dang dở nhiều năm cho nên xuống cấp, hư hỏng, khi được cấp vốn trở lại chưa chắc đã được tiếp tục triển khai.

NGUYỄN THẾ SƠN

(Xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)

Tái cơ cấu nông nghiệp phải đồng bộ

Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) nói chung thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất chưa đồng bộ, mỗi nơi làm một kiểu, thiếu gắn kết, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng sự phát triển chung.

Tôi đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng chương trình, chính sách đồng bộ, tăng cường hỗ trợ các địa phương vùng ÐBSCL xây dựng, triển khai thực hiện Ðề án tái cơ cấu nông nghiệp bảo đảm hiệu quả, trong đó phải chú trọng đến tính liên kết vùng; tăng cường nghiên cứu, đầu tư khoa học công nghệ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung khâu sản xuất giống cây, con phù hợp điều kiện sản xuất của từng vùng.

HỒ VĂN TƯƠI

(Phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)

Cẩn trọng khi tăng giá các mặt hàng thiết yếu

Trong những mục tiêu, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có đề cập nội dung tiếp tục thực hiện giá thị trường đối với xăng dầu, điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục... theo lộ trình phù hợp. Theo tôi, việc thực hiện theo giá thị trường là cần thiết, nhưng đối với các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đời sống nhân dân, phải tính toán kỹ lưỡng. Trên thực tế, khi giá điện, xăng dầu mới rục rịch tăng thì hàng loạt mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ vận tải đã tăng theo. Trong khi đó, thời gian gần đây khi giá xăng giảm, nhưng giá nhiều dịch vụ, hàng tiêu dùng, cước vận tải... vẫn đứng ở mức cao.

NGUYỄN VĂN HOÀNG

(Quận Ðống Ða, Hà Nội)

Quản lý tài nguyên khoáng sản chưa chặt

Tại Yên Bái, tài nguyên khoáng sản đang được tập trung khai thác mạnh. Quặng sắt, chì kẽm, cao lanh và đặc biệt là đá vôi trắng có độ trắng tinh khiết cao đang được xẻ khối xuất khẩu trực tiếp. Trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản, các doanh nghiệp đã gây ô nhiễm môi trường, phá nát hệ thống giao thông đường bộ, nhưng tiền thu vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng với lượng tài nguyên đã khai thác, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Do chưa chú trọng việc đầu tư chế biến sâu, các chủ doanh nghiệp làm ăn kiểu "bóc ngắn, cắn dài" khiến môi trường ngày càng bị hủy hoại nghiêm trọng.

Việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo cần sớm được Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt, mang tính lâu dài, chế tài xử phạt nặng đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm Luật Khoáng sản.

HÀ TIẾN CAO

(Xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái)

Lạm phát được kiềm chế nhưng sức mua yếu

Những giải pháp quyết liệt của Chính phủ từ năm 2013 đến nay đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, đó là kiềm chế được lạm phát. Tuy nhiên, khả năng chi tiêu của người dân đang có dấu hiệu giảm sút khi sức mua trên thị trường bán lẻ hàng hóa chỉ tăng hơn 6%. Trong thực tế, sức mua chỉ tập trung vào một số mặt hàng, như ô-tô, điện thoại, máy tính... Hàng thiết yếu, hàng Việt Nam ít được tiêu thụ, điều đó tác động trực tiếp doanh nghiệp trong nước. Chính vì vậy, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng. Trong đó, tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách như giảm thuế, cho nợ thuế, trợ giá... để tăng sức mua của người dân.

LÊ VĂN HẢI

(Phường Nại Hiên Ðông, quận Sơn Trà, TP Ðà Nẵng)

Ô nhiễm nghiêm trọng môi trường ở các làng nghề, nông thôn

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 33 làng nghề, trong đó có 14 làng nghề truyền thống. Do các làng nghề phát triển tự phát, không được quy hoạch cho nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn cũng đang có xu hướng tăng lên. Rác thải sinh hoạt, các loại rác sau khi sử dụng sản phẩm nông nghiệp... được người dân vô tư xả thẳng ra hệ thống thủy lợi, hồ, đập, ruộng đồng. Thậm chí, có nơi rác thải tồn đọng sau nhiều năm đã trở thành những điểm tập kết mà địa phương không thể xử lý. Tỉnh đang rất cần sự hỗ trợ của Trung ương để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm, trả lại sự trong sạch cho làng nghề, nông thôn.

NGUYỄN PHƯƠNG MINH

(Thôn Nợm, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang)

 
Theo NhanDan

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất