Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn hoan nghênh, chào mừng ông Jonathan Baker đến nhận công tác tại Hà Nội; chúc Trưởng đại diện có một nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam thành công, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam cũng như với các địa phương tại Việt Nam, trong đó có Ninh Bình.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình thông tin khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau 30 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình đã chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh, dựa trên nền tảng văn hóa. Với sự đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển xanh, dựa trên giá trị sinh thái di sản văn hóa và thiên nhiên, đến nay, Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công cuộc đó có vai trò rất quan trọng của UNESCO, đánh dấu ở sự kiện năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa, thiên nhiên thế giới đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại ở khu vực Đông Nam Á. Kéo theo đó là sự thay đổi cơ cấu lại nền kinh tế, du lịch phát triển dựa trên nền tảng di sản.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cảm ơn UNESCO, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội luôn đồng hành với tỉnh trong quá trình bảo tồn di sản, tạo nhịp cầu đưa Tràng An ra thế giới và để thế giới hướng về Tràng An. Qua 10 năm Tràng An được ghi danh, công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị di sản thu được các kết quả nổi bật. Các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản luôn được tôn trọng, gìn giữ; các khu, điểm du lịch trong khu di sản thực sự trở thành hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy giao lưu văn hoá, thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững trong toàn tỉnh. Qua đó, duy trì sinh kế bền vững, tạo sinh kế mới cho cộng đồng người dân sinh sống trong khu di sản, trở thành mô hình mẫu mực trong phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn duy trì bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa như nhận xét của Tổng Giám đốc UNESCO tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước Di sản Thế giới.
Ông Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, với các quốc gia nông nghiệp, đô thị di sản thiên niên kỷ là rất hiếm, càng hiếm hơn với tư cách đô thị đó liên tục có con người quần cư sinh sống. Ninh Bình đang phấn đấu xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo với những giá trị đặc trưng vô cùng quý hiếm. Cùng những định hướng trên, Ninh Bình xác định nhiều thách thức lớn, đặc biệt là công cuộc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản, nhất là những thách thức đến từ công cuộc đô thị hóa, đô thị nén, biến đổi khí hậu, việc giải quyết những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, sức chịu tải của di sản trước khai thác để phát triển du lịch.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình mong muốn, thời gian tới tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của UNESCO để có thể xây dựng Hiến chương UNESCO hoặc tuyên ngôn của UNESCO về Tràng An. Đặc biệt, Ninh Bình mong muốn hội nhập sâu vào mạng lưới các đô thị di sản trên thế giới thông qua vai trò trung tâm và kết nối của UNESCO. Các đô thị di sản có thể luân phiên tổ chức hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phát triển du lịch. Ninh Bình mong muốn UNESCO hỗ trợ tìm kiếm, huy động các nguồn lực quốc tế trong nghiên cứu khảo cổ học, đa dạng sinh học, các dự án phát triển và thử nghiệm các phương pháp bảo tồn tiên tiến và hiệu quả.