Thứ Sáu, 13/12/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 25/3/2019 8:34'(GMT+7)

Nối dài sự sống nhờ hiến mô, tạng

Đến nay, cả nước đã thực hiện được gần 3.700 ca ghép tạng	Nguồn: ITN

Đến nay, cả nước đã thực hiện được gần 3.700 ca ghép tạng Nguồn: ITN

Những thành tựu đặc biệt

Chia sẻ về những thành tựu của ngành ghép tạng Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia Trịnh Hồng Sơn cho biết, đến nay cả nước đã thực hiện được gần 3.700 ca ghép tạng. Trong đó có hơn 3.500 ca ghép thận, 150 ca ghép gan và 28 ca ghép tim. Năm 2017, Việt Nam lần đầu tiên ghép tim nhi từ trái tim người hiến chết não là người trưởng thành. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện được ca ghép phổi từ người cho chết não bởi các chuyên gia Việt Nam. Mới đây, lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện chia gan từ người cho chết não để ghép cho hai người bệnh suy gan và ung thư gan.

Song, một trong những thành tựu được coi là “đặc biệt” của ngành ghép tạng Việt Nam là thực hiện điều phối ghép tạng quốc gia bằng vận chuyển hàng không dân dụng, khi thực hiện 7 ca ghép tạng xuyên Việt thành công, trong khi hầu như không có nước nào sử dụng hàng không dân dụng để vận chuyển tạng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều kỹ thuật ghép tạng khác chưa được triển khai như ghép tụy, ghép tử cung hay  ghép gan từ người sống cho người suy gan cấp.

Mặt khác, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, mặc dù hiện nay nước ta đã có 19 trung tâm ghép tạng nhưng việc kết nối thông tin chưa hiện đại. Do đó, cần tiến tới kết nối với các trung tâm ghép tạng lớn trong khu vực để có thể điều phối ghép tạng nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó cũng cần xây dựng danh sách chờ ghép quốc gia bởi hiện nay danh sách này chưa thực sự hiệu quả, chưa cập nhật hết thông tin người cần ghép. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có hơn 90 triệu dân, thì phải trả lời được câu hỏi có bao nhiêu người đang cần ghép gan? Bao nhiêu người cần ghép tim? Bao nhiêu người cần ghép thận? Trên thực tế, danh sách chờ ghép gan hiện mới cập nhật 20 - 30 bệnh nhân trong khi có hàng nghìn người bệnh cần ghép gan. Do vậy, cần có danh sách đầy đủ số người cần ghép và các chỉ số của họ. Về phía các cơ sở y tế, Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia Trịnh Hồng Sơn cho rằng cần phải tăng cường cập nhật danh sách bệnh nhân chết não để báo về trung tâm.

Từ nhận thức tới hành động

 Hiện nay, Việt Nam dần làm chủ được kỹ thuật ghép tạng và đây là “thời điểm vàng” cho ghép tạng khi số người đăng ký hiến tạng tăng lên hơn 21.000 người và đã có 230 người chết não hiến tạng. Nếu có được danh sách chờ ghép quốc gia với các thông số được xây dựng chi tiết sẽ có giá trị lớn trong việc điều phối tạng, giúp kéo dài cuộc sống cho nhiều người bệnh.

Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia Trịnh Hồng Sơn

Theo nhận định của các chuyên gia, khó khăn lớn nhất với lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam hiện nay không phải kỹ thuật mà nằm ở nguồn tạng hiến tặng để ghép cho người bệnh không đủ so với nhu cầu. Thống kê cho thấy, năm 2014, cả nước mới chỉ có 265 người tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết và chết não; năm 2015 đã tăng lên 2.000 người và đến nay có gần 21.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết và chết não. Tuy nhiên, nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân rất thiếu, cho dù ngày nào tại các bệnh viện cũng có hàng chục bệnh nhân chết não.

“Người không còn, nhưng một bộ phận của cơ thể còn ở lại đồng nghĩa với việc người hiến mô, tạng sẽ được sống cuộc đời thứ hai. Ghép tạng giúp người bệnh sống thêm một thời gian dài; nhiều trường hợp sau ghép gan sống thêm 8 - 10, thậm chí 20 - 30 năm với chất lượng sống tốt. Nói cách khác, hiến mô, tạng sau khi chết não là cách để nối dài sự sống, nhân lên tình yêu thương, chia sẻ giữa con người với con người” - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc khẳng định.

Mặc dù vậy, vận động người dân tham gia hiến mô, tạng không dễ dàng. Ở cấp cơ sở, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội Nguyễn Thị Trà Liên cho rằng, cũng giống như phong trào hiến máu tình nguyện những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, việc triển khai chương trình hiến mô, tạng nhân đạo trong thời gian đầu sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, muốn chương trình hiến mô, tạng nhân đạo đi vào chiều sâu, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tuyên truyền để người dân vượt qua rào cản tâm lý, hiểu được ý nghĩa sâu sắc của việc làm này thông qua những dẫn chứng, con người cụ thể.

Bên cạnh đó cũng cần giải quyết được những vướng mắc đang hiện hữu về mặt chính sách pháp luật như quy định người dưới 18 tuổi không được hiến mô tạng, chưa có quy định về ghép tạng được bảo hiểm y tế thanh toán, chưa có quy định về sự tham gia của các quỹ hỗ trợ nhân đạo cho bệnh nhân ghép tạng…/.

Theo daibieunhandan.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất