Có lẽ chỉ có nền bóng đá… Anh mới tương đương với Việt Nam về độ gay gắt trong việc đặt ra câu hỏi (và trả lời) về chuyện nên chọn HLV nội hay ngoại cho đội tuyển quốc gia!
Sở dĩ người Anh gay gắt như vậy chẳng qua vì sĩ diện quốc gia (cách đây chưa lâu, trung vệ Jamie Carragher của Liverpool đã gây nên sóng gió trong dư luận khi coi việc lựa chọn huấn luyện viên ngoại cho đội tuyển quốc gia là một “nỗi hổ thẹn”).
Các nền bóng đá lớn khác của thế giới, từ Tây Ban Nha, Hà Lan, I-ta-li-a đến Đức, Pháp hay Bra-xin coi việc chọn HLV nội cho đội tuyển quốc gia là chuyện đương nhiên, không có gì phải bàn cãi.
Người Anh đã từng vô địch thế giới cách đây cả nửa thế kỷ cũng nhờ một huấn luyện viên nội, ông Alf Ramsey. Thế nhưng rồi họ cũng phải cắn răng nuốt sĩ diện để chọn một huấn luyện viên ngoại cho đội tuyển quốc gia, ông Fabio Capello. Lý do: Thành tích của các HLV mang quốc tịch Anh với đội tuyển của đảo quốc sương mù mấy chục năm trở lại đây bết bát quá.
Chỉ có điều là ông Fabio Capello không thọ lâu được trên cương vị huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia Anh, không phải vì thành tích yếu kém, mà lại vì những nguyên nhân lãng xẹt xung quanh tranh cãi về cái băng đội trưởng của cầu thủ lắm tài nhiều tật John Terry.
Thế nên người Anh quay về với huấn luyện viên nội và kết quả là thành tích của đội tuyển Anh lại… phập phù như cũ!
Cái này thì giống ở ta.
Chưa có một HLV nội nào ở ta đủ sức dẫn dắt đội tuyển quốc gia đoạt được những chiến tích khiến người hâm mộ ngất ngây cả. Sau thời kỳ bóng đá Việt Nam thăng hoa hồi thập niên 90 của thế kỷ trước với một ông HLV người Đức là Weigang rồi đến ông người Áo là A.Riedle, đến năm 2008, đội tuyển Việt Nam đăng quang ngôi vị quán quân Đông Nam Á dưới bàn tay của một ông thầy ngoại khác, quốc tịch Bồ Đào Nha là H.Calisto.
Những thực tế nhãn tiền đó khiến cho những người ủng hộ việc sử dụng HLV ngoại càng có “cơ sở lý luận” để khẳng định quan điểm dùng “hàng ngoại”.
Vậy nhưng những người phản đối cũng có lý lẽ của họ, ở ngay cái chỗ mà những người chuộng ngoại cho là điểm mạnh nhất. Ấy là ông A.Riedle thật ra cũng chỉ là “vua về nhì”, “mãi mãi là người đến sau”. Còn ông H.Calisto ư? Họ cho rằng chiến thắng năm 2008 chứa đựng nhiều yếu tố may mắn (điều này quả thật không thể phủ nhận); hơn thế nữa, ông Calisto có tới ngót nghét 10 năm làm việc với bóng đá Việt Nam ở cấp CLB, hiểu đến chân tơ kẽ tóc cùng những uẩn khúc của nền bóng đá “xây nhà từ nóc” (chữ dùng của ông A.Riedle). Nói cách khác, ông Calisto chẳng khác gì HLV nội!
Bây giờ, nếu chọn một ông HLV ngoại, chưa hiểu biết gì về bóng đá Việt, nắm đội tuyển quốc gia, uy thì có uy thật đấy, nhưng đúng là chuyện “năm ăn năm thua”!
“Người Việt dùng hàng Việt” thì thành tích không thuyết phục; dùng “hàng ngoại” thì phiêu lưu. Thế nên câu hỏi “nội hay ngoại” vẫn không dễ tìm được câu trả lời, ít nhất là trong thời gian từ nay cho đến 6-2-2013, ngày diễn ra trận đấu với đội tuyển UAE trong vòng loại Asian Cup 2015./.
(Yên Ba/QĐND)