Ngày nay, Lăng Bác là một đài hoa vĩnh cửu, một không gian thiêng liêng, nơi hội tụ niềm tin, tình cảm kính yêu của nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) vào sáng nay, 29/8.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các bộ, ban, ngành đã dự Hội nghị do Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”.
Ngày mùng 2/9/1969 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta. Theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn, thi hài Bác được chuyển về Quân y Viện 108. Các đồng chí trong Tổ Y tế đặc biệt và các chuyên gia Liên Xô đã tập trung tiến hành từng thao tác kỹ thuật thận trọng, tỷ mỷ, chính xác để giữ nguyên những nét đặc trưng trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu tóc của Bác đúng như lúc sinh thời. Thành công trên của các chuyên gia y tế Liên Xô và Tổ Y tế đặc biệt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là tiền đề, cơ sở quyết định cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác trong giai đoạn tiếp theo.
Hôm nay, tại Hội nghị, GS.TS. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Y tế cấp Nhà nước về kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc kết luận của Hội đồng (làm việc từ ngày 12-18/7/2019): “Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm đang được giữ gìn rất tốt, chưa phát hiện được sự thay đổi nào so với các số liệu trong biên bản kiểm tra thi hài của các Hội đồng trước đây (từ năm 1970 đến năm 2009)”.
Theo Ban Quản lý Lăng, mục đích cuối cùng của mọi công việc là để đón đồng bào trong nước và bầu bạn quốc tế đến thăm Lăng và vào viếng Bác để được chiêm ngưỡng Người và học tập những tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người.
Phương án bảo vệ sức khỏe, tổ chức cấp cứu, phục vụ bảo đảm các nhu cầu chủ yếu là nước uống và ăn nhẹ cho nhân dân đã sớm được nghiên cứu, tổ chức thực hiện.
Do làm tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền, phục vụ, từ ngày mở cửa Lăng (ngày 29/8/1975 đến hết tháng 2/2018), Ban Quản lýLăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn hơn 57 triệu lượt người, trong đó có 9,7 triệu lượt khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 200 đoàn nguyên thủ quốc gia đến viếng Bác.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay, qua 50 năm, có thể khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có thể giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Đội ngũ những người làm công tác bảo quản, giữ gìn thi hài Bác đã không ngừng lớn mạnh hơn với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô; từng bước làm chủ lĩnh vực khoa học đặc biệt quan trọng này.
Công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi như bó hoa tươi thắm đầu tiên của quân và dân ta, của tấm lòng những người bạn Liên Xô, thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Xô dâng lên Bác kính yêu.
Thủ tướng bày tỏ, hơn 40 năm qua, “Ngày ngày Mặt trời đi qua trên Lăng. Thấy một Mặt trời trong Lăng rất đỏ. Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ...”, chúng ta thật xúc động khi chứng kiến những đoàn thương binh nặng, có những đồng chí hỏng cả hai mắt nhưng luôn đau đáu niềm ước mơ lớn nhất trong cuộc đời dù không được nhìn thấy Bác nhưng vẫn tâm nguyện là được vào Lăng viếng Người. Những Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhất là các mẹ ở miền Nam "thành đồng Tổ quốc", dù tuổi cao, mắt đã mờ nhưng vẫn quyết tâm giữ gìn sức khỏe để được ra Thủ đô vào Lăng viếng Bác. Nhiều người không kìm nén được tình cảm sự xúc động đã òa khóc, có người do chưa nhìn rõ Bác còn đề nghị được vào viếng Bác thêm lần nữa để được nhìn Bác rõ hơn… Nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam đã đề nghị được vào viếng Bác.
Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình cùng với Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành nơi hội tụ tình cảm của nhân dân ta và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị quan trọng, ý nghĩa như mít tinh, diễu binh, diễu hành và báo công dâng Bác, giáo dục chính trị, tư tưởng cho mọi tầng lớp nhân dân, khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Ngày nay, Lăng Bác là một đài hoa vĩnh cửu, một không gian thiêng liêng, nơi hội tụ niềm tin, tình cảm kính yêu của nhân dân cả nước đối với Người.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng trân trọng cám ơn sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, nhân dân Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, trực tiếp là các nhà khoa học, chuyên gia y tế đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 50 năm qua.
“Xin để Người yên giấc mộng say, còn trời đất đó, nước non đây”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị văn hóa của Công trình Lăng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng nêu rõ.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Ban Quản lý Lăng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng phải thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng về việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác.
Tiếp tục nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự lực chủ động sáng tạo, nắm bắt thời cơ, khắc phục mọi khó khăn, tăng cường hợp tác với các cơ sở y khoa trong và ngoài nước (đặc biệt là Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow, Liên bang Nga), vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ để giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cho muôn đời mai sau.
Phát huy những thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ để tiếp tục hiện đại hóa các hệ thống thiết bị kỹ thuật Công trình Lăng với công nghệ tiên tiến, độ tin cậy và hệ số dự phòng cao phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức đón tiếp nhân dân, khách quốc tế đến thăm viếng.
Xây dựng, quy hoạch, tôn tạo đồng bộ kiến trúc, cảnh quan môi trường khu vực Lăng khang trang, ấn tượng là điểm nhấn tiêu biểu về chính trị, văn hóa của Thủ đô Hà Nội và cả nước nhằm phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.
Tiếp tục tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác để góp phần lan tỏa ngày càng sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn; không để xảy ra cháy nổ, mất an ninh trật tự, tụ tập đông người trái phép tại khu vực quan trọng này. Duy trì thường xuyên các hình thức nghi lễ tại khu vực Lăng, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.
Mỗi cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức và người lao động các đơn vị trong Ban Quản lý Lăng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - những người “Vinh quang con đứng bên Người, canh cho Bác ngủ ngon giấc” phải thực sự là những người tiêu biểu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh để tên tuổi, hình ảnh, sự nghiệp vĩ đại và công lao to lớn của Người mãi mãi khắc ghi vào con tim, khối óc của mỗi người dân đất Việt, mãi mãi là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam”, Thủ tướng nói./.
Theo chinhphu.vn