Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 15/4/2015 13:3'(GMT+7)

Nông thôn mới chuyển mình – chú trọng phát triển đảng trong hội viên nông dân

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích trên 80 hecta tại Củ Chi, sắp đi vào hoạt động. Đây sẽ là nơi hướng dẫn nông dân trong việc học tập, tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm, tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Dựa trên tiêu chuẩn VietGAP, nơi đây cũng sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất ra cây, con giống cung cấp cho nông nghiệp thành phố (TP) và sau đó vươn dần ra các thị trường lân cận. Bên cạnh đó, TP cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân… song song với việc đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước để có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến trong sản xuất nông nghiệp…
Nỗ lực góp phần xây dựng nông thôn mới
Trên cơ sở nhận thức được vai trò của Hội Nông dân là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn hiện nay. Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân TP., Hội Nông dân TP đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia tích cực phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tăng hộ khá giàu. Chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng nâng lên, xuất hiện ngày càng nhiều hộ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chất lượng hàng hóa nông sản được nâng cao, ứng dụng công nghệ khoa học cao vào sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng khả năng cạnh tranh hàng hoá trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau làm giàu; tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế hợp tác, tham gia xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và giới thiệu nguồn lực tham gia xây dựng Đảng.
Hội Nông dân thành phố chủ động phối hợp các cấp Hội triển khai thực hiện chương trình xây dựng mô hình xây dựng nông thôn mới tập trung vào thực hiện hoàn thành dự án đầu tư nâng cấp công nghệ thông tin và trang bị máy vi tính cho 56 xã nông thôn mới với mục đích ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; phối hợp Thành Đoàn đưa lực lượng trí thức trẻ về các xã nông thôn mới để tuyên truyền, tư vấn về tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã, chính sách phát triển nông nghiệp, Luật đất đai cho 290 cán bộ, hội viên, nông dân huyện Bình Chánh, Hóc Môn; tổ chức chương trình “Một ngày làm nông dân” thu hút 90 học sinh phổ thông trung học (phường Thạnh Xuân, quận 12); tập huấn, hướng dẫn nông dân tiêu thụ hàng hóa tại hệ thống SATRA Food cho 150 hội viên, nông dân (huyện Hóc Môn). Đặc biệt phát động đến hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, gắn với tham gia tích cực cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với kết quả gần 37 ngàn hộ (đạt 99,45%) đạt gia đình văn hoá.
Song song đó, Hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều hội thi “Nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP”, “Tìm hiểu kiến thức xây dựng nông thôn mới thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III năm 2014”; phát gần 2.000 tài liệu bướm tuyên truyền các chính sách về nông nghiệp; đưa 700 hội viên, nông dân các huyện, quận tham quan các triển lãm, tham dự hội thảo… giúp nông dân tiếp cận công nghệ, thiết bị và dịch vụ tiên tiến nhất trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thực phẩm, nuôi trồng thủy sản.
Góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới. các cấp Hội vận động hội viên, nông dân đóng góp công sức, kinh phí xây dựng , sửa chữa 20.390m đường giao thông nông thôn, tu bổ bờ bao thủy lợi, nạo vét kinh mương, sửa chữa đê bao thủy lợi với chiều dài 8.550m và đóng góp 9.631 ngày công lao động; lắp đặt 445 mét cống thoát nước; ra quân tổng vệ sinh các đoạn đường Hội quản lý.
Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp rất lớn của các ban, ngành, đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, Tổng Công ty Điện lực, Bộ đội Biên phòng, Hội chữ thập đỏ tổ chức những Ngày hội “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “tặng quà cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn, sửa chữa, chống dột nhà, thay mới đường dây diện, đồng hồ, thiết bị điện, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí… Thành đoàn TP.HCM tổ chức những Ngày cùng hành động “Chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh chung tay xây dựng nông thôn mới”, bằng những công trình thiết thực phục vụ dân sinh như “xây cầu, dựng nhà”, làm bể lọc phèn với quy mô hộ gia đình (Bình Chánh); tiêm phòng cho vật nuôi (Củ Chi) và chuyển giao các mô hình trình diễn trồng phong lan (Hóc Môn), trao tặng học bổng học sinh nghèo, trao vốn hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hơn 8.000 hộ dân hiến đất mở đường, từng bước nâng cao chất lượng đời sống, an sinh xã hội tại địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới. Và hơn hết là vai trò quan trọng của đảng ủy cơ sở tại các địa phương trong việc lựa chọn hạng mục đầu tư phát huy hiệu quả nhanh và tốt nhất, để người dân tin tưởng, nỗ lực vươn lên làm kinh tế, mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… 
Những thành quả của bước đi đúng hướng
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, TP đã tạo một bước đột phá quan trọng thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đánh dấu “thương hiệu” bằng các sản phẩm đặc thù vượt trội trong cả nước: vùng chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, tập trung lớn nhất nước với gần 100 ngàn con, đàn cá sấu hơn 150 ngàn con, sản xuất cá cảnh đạt gần 50 triệu con/năm, cây cảnh (cây dáng, cây thế…), lan trong chậu, lan cắt cành… đều áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nuôi trồng một cách hiệu quả. Đây là một tín hiệu đáng mừng tại các xã nông thôn mới, điều đó cho thấy chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp hướng nông nghiệp đô thị của TP đang đi đúng hướng. Những năm gần đây, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến hội viên, nông dân 6 tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (theo quy định số 18-QĐ/HNDTW), nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Kết hợp nâng chất hoạt động 79 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với 1.752 thành viên. Giai đoạn (2011-2013), đã có hơn 2.000 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được tuyên dương cấp TP. Với một số điển hình như:
Trang trại hoa lan Huyền Thoại của gia đình chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền, khu phố 3, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi. Xuất thân từ việc kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng với niềm say mê, yêu thích hoa chị đến với lan vào năm 2008. Qua bao lần thử nghiệm, có những lúc tưởng chừng như bỏ cuộc, nhưng những cánh lan cứ rập rờn trong giấc ngủ, chị đã quyết tâm đi đến cùng cuộc chơi. Năm 2012, chị quyết định “chuyển đổi cơ cấu cây trồng” từ 4 hecta đất trồng cao su thành vườn lan với hệ thống tưới tiêu nước, thuốc phân tự động, xây dựng nhà lưới để giữ ẩm… và 100.000 gốc lan mokara đủ màu sắc. Hiện nay, theo ước tính của chị Huyền, doanh thu từ trang trại lan khoảng 2 tỷ đồng/năm. “Tiếng lành đồn xa”, không chỉ có nông dân trong vùng và các tỉnh lân cận đến học hỏi kinh nghiệm mà còn có cả những nông dân từ Thành phố Hoa Đà Lạt, cũng tổ chức đoàn đến thăm trang trại lan Huyền Thoại. Không dừng lại ở đó, chị còn chi biết thêm: “Chúng tôi đang hướng đến xây dựng và phát triển mô hình nhà vườn kết hợp du lịch, vừa giúp người tham quan có một điểm dừng dân thí vị, vừa quảng bá sản phẩm nhà vườn cũng như quảng bá hình ảnh nông nghiệp đô thị TP.HCM”. 
Có thể thấy, trong những năm gần đây, người dân TP đã chuyển thị hiếu tiêu dùng từ các loại hoa khác sang hoa lan. Lan ở nhà vườn trồng tới đâu, tiêu thụ hết tới đó. Ngay tại thời điểm đầu tháng 11 âm lịch, lan trồng cho dịp Tết Nguyên đán tại nhà vườn đã được các thương lái đặt mua hết. Cùng với xu hướng chuyển sang trồng lan công nghệ cao, còn có gia đình anh Trần Gia Huy ở huyện Bình Chánh (chuyển từ trồng rau sang lan). Từ quy mô nhỏ, mở rộng dần qua từng năm, đến nay vườn lan nhà anh đã rộng hơn 2.000m2, đem về thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Với mục tiêu phát triển bền vững, anh quyết tâm đầu tư thêm gần 2 tỷ đồng cho vườn ươm giống và phòng thí nghiệm để phát triển theo hướng đầu tư công nghệ cao gia tăng lợi nhuận. Gia đình bà Trần Thị Tuyết ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi cũng vượt lên khá giàu nhờ chuyển từ chuyên canh lúa, hoa màu sang trồng lan cắt cành. Doanh thu sau khi trừ chi phí từ vườn lan rộng 4,6ha với hơn 60.000 gốc của bà Trần Thị Tuyết khoảng 1,3 tỷ đồng/năm…
Ngoài ra, còn nhiều mô hình chuyển đổi khác như: Hộ anh Hà Văn Sáu (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) lại chuyển từ trồng lúa, do ruộng bị nhiễm phèn nên năng suất lúa rất thấp, anh bàn với gia đình chuyển sang đào ao nuôi cá, cũng học tập kinh nghiệm từ nhiều nơi, anh áp dụng phương pháp nuôi hỗn hợp, các loại cá như: cá mùi, mè, trắm cỏ, cá rô, cá tra, vừa tiết kiệm được thức ăn, vừa tận dụng được tất cả các tầng nước, cho năng suất cao. Anh Sáu còn nổi tiếng bởi tài khéo chăm đàn heo qua cơn đại dịch (trước đây, khi dịch bệnh tàn phá đàn heo của các vùng chăn nuôi trong TP, hầu hết bà con quanh vùng đã chuyển sang nghề khác). Hiện tại, mỗi năm, anh Sáu bán ra thị trường hơn 300 con heo thịt và 150 heo giống. Ngoài ra, tận dụng phần đất quanh ao, chuồng, anh còn trồng thêm 300 gốc dừa, vừa giữ đất, chống sạc lỡ, vừa lấy bóng mát lại có thêm thu nhập từ bán trái.
Cũng chuyển đổi mô hình từ cây trồng sang vật nuôi, hộ ông Trần Văn Xuân, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè chuyển từ lúa sang nuôi tôm thẻ. Với 7 hecta đất vừa phèn, vừa lợ, nuôi con gì cũng khó lớn. Được sự hỗ trợ bước đầu về kỹ thuật, con giống tôm thẻ chân trắng của Hội Nông dân – CLB Khuyến nông, Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Nhà Bè, nhiều hộ dân ở đây đã vươn lên thoát nghèo, gia đình ông là một trong những hộ tiêu biểu nhất, ước tính thu nhập sau khi trừ đi các chi phí, mỗi vụ tôm ông lời trung bình 400-500 triệu đồng. Hiện, ngoài 7 hecta tôm, nhà cửa khang trang, ông còn phát triển thêm 2 cửa hàng bán thức ăn, trang thiết bị nuôi tôm. Ông trầm ngâm: Tui xuất thân từ nghèo khó, giờ được vầy, ngoài sự cần cù, chịu khó học hỏi, cũng nhờ phúc đức ông bà để lại nên mỗi năm, tui đều trích ra một phần lợi nhuận để giúp trẻ em mồ côi, bà con nghèo, cứu trợ đồng bào bị bão lụt…
Phát triển đảng trong hội viên nông dân
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, UBNDTP và các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội bằng nhiều chương trình thiết thực “chung tay xây dựng nông thôn mới”, đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Đời sống của nông dân ngày càng được cải thiện, nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân được nâng lên, nhiều hội viên đã tự giác rèn luyện, tích cực tham gia các phong trào Hội. Cùng với chủ trương chăm lo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, Hội Nông dân TP còn chú trọng đến công tác giới thiệu hội viên ưu tú cho Đảng, nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị từ những hội viên là đảng viên. Sự nỗ lực của các cấp ủy đảng thông qua các nghị quyết, chương trình xây dựng nâng cao chất lượng công tác tập hợp quần chúng, nâng cao chất lượng hội, xây dựng lực lượng nòng cốt, trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng nền nông nghiệp đô thị… cũng là điều kiện thuận lợi để xây dựng phong trào, phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn hội viên nông dân ưu tú cho Đảng.
Qua 4 năm thực hiện, Hội đã giới thiệu 578 hội viên, trong đó đã kết nạp được 211 hội viên đạt tỉ lệ 36,50%, nâng tổng số đảng viên trong tổ chức Hội lên 3.308/21.909 hội viên nồng cốt. Đạt được kết quả trên, các cấp hội đã thường xuyên hướng dẫn giúp đỡ những hội viên tiêu biểu nòng cốt của phong trào để họ phấn đấu, tự giác rèn luyện trở thành đảng viên. Mặt khác, Hội còn tranh thủ sự lãnh đạo kịp thời của các cấp ủy đảng trong việc xây dựng nguồn và phát triển đảng trong cán bộ, hội viên, đa phần là cán bộ chuyên trách Hội trẻ tuổi, có trình độ. Tuy nhiên từ năm 2012 đến nay, mặc dù các cấp ủy có nhiều quan tâm đến công tác kết nạp đảng viên là hội viên ưu tú do Hội Nông dân giới thiệu, nhưng số lượng hội viên ưu tú vào Đảng hàng năm còn thấp, chất lượng chưa cao, việc phát triển Đảng trong hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hội viên nòng cốt chưa tương xứng với phong trào Hội Nông dân các cấp, vấn đề tuổi đời và trình độ học vấn vẫn đang còn là những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên là hội viên nông dân./.
Lâm Thị Cẩm Tú – Ban Tuyên giáo thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất