Thứ Hai, 25/11/2024
Môi trường
Thứ Năm, 25/8/2022 15:6'(GMT+7)

Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân khiến hàng triệu người tử vong

ải bốc lên từ nhà máy ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

ải bốc lên từ nhà máy ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ô nhiễm là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 9 triệu người trong năm 2019. Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo toàn cầu của Ủy ban Lancet về ô nhiễm và sức khỏe, công bố ngày 17/5.

Cũng trong báo cáo, giới chuyên gia còn cảnh báo thực trạng số ca tử vong ngày một gia tăng do hít phải bầu không khí ô nhiễm, cũng như nhiễm độc chì.

Báo cáo chỉ rõ chất thải do con người tạo ra trong không khí, nước và đất hiếm không gây chết người ngay lập tức, song lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim, ung thư, các vấn đề về hô hấp, tiêu chảy cùng các bệnh nan y khác.

Ủy ban Lancet về ô nhiễm và sức khỏe nhấn mạnh tác động của ô nhiễm đối với sức khỏe toàn cầu còn "lớn hơn nhiều" so với chiến tranh, khủng bố, bệnh sốt rét, virus HIV, lao hay các chất kích thích như ma túy và rượu.

Báo cáo nêu rõ ô nhiễm là "mối đe dọa hiện hữu đối với sức khỏe con người và hành tinh và là nguy cơ đối với sự bền vững của các xã hội hiện đại."

Theo báo cáo, ô nhiễm không khí - nguyên nhân dẫn đến 6,7 triệu ca tử vong trên toàn cầu trong năm 2019, có liên quan mật thiết đối với biến đổi khí hậu, do cả 2 vấn đề trên đều khởi nguồn từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và nhiên liệu sinh học.

Trong khi đó, ô nhiễm hóa chất cũng đang ngày một tăng, trong đó riêng nhiễm độc chì đã cướp đi sinh mạng của 900.000 người.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo con số này vẫn có thể thấp hơn thực tế, trong bối cảnh nghiên cứu mới đây cho thấy không có mức phơi nhiễm chì nào là an toàn đối với con người.

Tác giả chính của báo cáo, ông Richard Fuller, thuộc Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm, còn cho rằng ô nhiễm chất hóa học là mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học và đây cũng là mối đe dọa lớn của toàn cầu.

Ông nhấn mạnh con người cần tìm các giải pháp thay thế để phát triển thân thiện với môi trường hơn.

Trong bối cảnh các nguy cơ sức khỏe này đều liên quan lẫn nhau, nên việc tìm ra phương thức ứng phó với một nguy cơ cũng sẽ hiệu quả với các nguy cơ khác.

Thống kê cho thấy cứ 6 ca tử vong sớm trên toàn cầu có 1 ca là do nguyên nhân ô nhiễm, tương đương với 9 triệu người. Con số này không thay đổi kể từ lần đánh giá trước hồi năm 2015. Chỉ có tỷ lệ tử vong liên quan đến ô nhiễm trong nhà, sử dụng nước uống không đảm bảo và thiếu vệ sinh giảm nhờ những cải thiện trong đời sống ở khu vực châu Phi.

Tuy nhiên, số ca tử vong sớm liên quan đến quá trình công nghiệp hóa, như ô nhiễm ngoài trời và ô nhiễm hóa chất - đang gia tăng, đặc biệt là tại khu vực Nam và Đông Á.

Mặc dù Algeria là nước cuối cùng cấm xăng pha chì vào năm 2021, tuy nhiên nhiều người vẫn phơi nhiễm với chất độc hại, chủ yếu là do việc tái chế pin axit-chì và chất thải điện tử không quy củ. Các thực phẩm ô nhiễm cũng là thủ phạm khiến con người phơi nhiễm chì.

Báo cáo cho biết bệnh tim mạch là căn bệnh phổ biến nhất trong các nguyên nhân gây tử vong sớm do nhiễm độc chì.

Tuy nhiên, nồng độ chì trong máu cao - vốn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu trẻ em, còn ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và liên quan đến tình trạng mất chức năng nhận thức nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nhiễm độc chì còn làm tăng rối loạn hành vi, kéo theo việc giảm năng suất kinh tế, khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại gần 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Tại châu Phi, thiệt hại kinh tế do nhiễm độc chì chiếm khoảng 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi ở châu Á, con số này là 2%.

Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm đang theo gió, nước và chuỗi thực phẩm, vượt qua ranh giới của các quốc gia.

O nhiem moi truong la nguyen nhan khien hang trieu nguoi tu vong hinh anh 1
Khí thải từ ôtô ở Đức, trong đó có khí nitrogen dioxide, gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. (Ảnh: AP/TTXVN)

Cụ thể, gió đã đưa ô nhiễm không khí từ Đông Á sang Bắc Mỹ, từ Bắc Mỹ sang châu Âu và từ châu Âu đến Bắc Cực và Trung Á.

Trong khi đó, ngũ cốc, hải sản, sôcôla và rau quả được sản xuất tại các nước đang phát triển để xuất khẩu có thể bị ô nhiễm do đất và nước nhiễm chì, asen, cadmium, thủy ngân và thuốc trừ sâu.

Điều này "ngày càng đe dọa an toàn thực phẩm toàn cầu", đặc biệt là việc tìm thấy các kim loại độc hại trong sữa công thức và thức ăn cho trẻ em.

Ông Fuller cũng chỉ ra thực tế mối đe dọa của ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí và nhiễm độc chì, không được để ý nhiều, do trước này thế giới tập trung nhiều hơn vào các tác động của vi nhựa đối với sức khỏe.

Báo cáo khẳng định ô nhiễm không chỉ đe dọa sức khỏe con người mà còn đối với nền kinh tế thế giới.

Các nhà nghiên cứu cho biết các ca tử vong do ô nhiễm đã khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 4.600 tỷ USD trong năm 2019, tương đương 6% sản lượng kinh tế toàn cầu, trong đó các nước có thu nhập thấp và trung bình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với hơn 90% số ca tử vong được ghi nhận ở khu vực này./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất