Những khó khăn trong kiểm toán môi trường được đại diện các nước nêu lên
là thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu và đặc biệt là các tiêu chí trong quá
trình kiểm toán.
Đây là những vấn đề được nói tới tại Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với
chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Hội nghị trong
khuôn khổ Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ
14 (Đại hội ASOSAI 14) đang diễn ra ở Hà Nội.
KHÓ XÁC ĐỊNH TIÊU CHÍ
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia Khalid Khan Bin Abdullah Khan cho
biết, kiểm toán môi trường đã được cơ quan chức năng Malaysia thực hiện
từ năm 2005.
Một số cuộc kiểm toán về môi trường đã được thực hiện thời gian qua như:
kiểm toán về các hoạt động trên cao nguyên (thảm họa, thảm kịch về sạt
lở đất, sườn đồi), quản lý rừng ngập mặn, biển và môi trường biển, quản
lý tài nguyên nước hay chương trình tài trợ cho công nghệ xanh.
Mặc dù kiểm toán từ những năm 2005 nhưng ông thừa nhận vấn đề khó với
kiểm toán môi trường của nước này là thiếu thông tin hoặc thông tin về
môi trường không đầy đủ ở các cấp địa phương, khu vực.
Ngoài ra, theo ông, các vấn đề môi trường tồn tại lâu và rất khó giải
quyết. Ông thừa nhận, việc phân tích những chi phí, lợi ích của các cam
kết môi trường là vấn đề quan trọng cần làm nhưng khó thực hiện.
Điểm khó theo ông là kiểm toán chỉ xem xét vấn đề quá khứ nhưng kiểm
toán môi trường đòi hỏi việc đánh giá tác động tiềm năng trong tương lai
của các chính sách và chương trình.
Ông chỉ ra vấn đề với ngành kiểm toán Malaysia là việc nghiên cứu thực địa đòi hỏi năng lực và kiến thức kiểm toán chuyên sâu.
“Việc xác định các tiêu chí kiểm toán ở cấp quốc gia là khó khăn và cũng
khó để thuyết phục Chính phủ cần áp dụng các tiêu chí quốc tế”, đại diện
kiểm toán Malaysia nói.
Ông Harib Al Amimi, Chủ tịch Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối
cao (INTOSAI), Tổng kiểm toán nhà nước Các Tiểu vương quốc Arab thống
nhất (UAE) thì nêu thêm vấn đề nữa là thách thức về mặt công nghệ. Ông
cho rằng đây là điều quan trọng trong quá trình kiểm toán và cần sự giúp
đỡ giữa các thành viên trong ASOSAI.
Ông nhấn mạnh vai trò của các tổ chức như ASOSAI, INTOSAI. Ông đề xuất
cần có tiêu chuẩn quốc tế, khu vực trong kiểm toán môi trường để việc
kiểm toán có hiệu quả.
ĐỀ XUẤT GIA TĂNG CÁC CUỘC KIỂM TOÁN MÔI TRƯỜNG
Với Việt Nam, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành
nêu lên vấn đề nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi
trường của các tổ chức, cá nhân cũng như trách nhiệm xã hội của doanh
nghiệp đối với cộng đồng chưa cao.
Ông cũng thẳng thắn, hệ thống pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường
còn bất cập, thiếu tính khả thi, gây nhiều khó khăn cho các tổ chức và
cá nhân trong quá trình tuân thủ, thực thi pháp luật.
Thách thức theo ông ở chỗ kiểm toán môi trường là lĩnh vực mới, cơ quan
chức năng thiếu nguồn nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn sâu
về môi trường. Đặc biệt, ông nhấn mạnh điểm khó là chưa có các công cụ
hướng dẫn kiểm toán cụ thể về kiểm toán môi trường để giúp kiểm toán
viên có định hướng, phương pháp tiếp cận và vận dụng khi triển khai kiểm
toán.
Từ đó, ông cho rằng, vấn đề cần tính tới là xây dựng kế hoạch chiến lược
về kiểm toán môi trường, trong đó chú trọng mục tiêu của Chính phủ
trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Phía Việt Nam cũng đề xuất gia tăng các cuộc kiểm toán môi trường để kịp
thời phát hiện, xử lý những sai phạm tạo lập kỷ luật kỷ cương đối với
nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Vấn đề này cũng được Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia Khalid Khan
Bin Abdullah Khan nêu lên. Ông cho rằng, cần xây dựng lại phạm vi kiểm
toán trong đó bao gồm cả kiểm toán môi trường. Vị này đề xuất cần có sự
tham gia của các chuyên gia các lĩnh vực liên quan để tăng cường chất
lượng của kiểm toán môi trường.
Còn Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc thì kêu gọi, các thành viên
ASOSAI cần nhận thức một cách đầy đủ và thể hiện hành động của mình đối
với việc bảo vệ môi trường từng quốc gia nói riêng và thế giới nói
chung.
“Phía Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng mong muốn các cơ quan kiểm toán
có thế mạnh và kinh nghiệm về kiểm toán môi trường có thể chia sẻ những
bài học thực tiễn đã đạt được để học hỏi, vận dụng, triển khai một cách
đồng bộ tại các SAI trong cộng đồng ASOSAI”, ông Hồ Đức Phớc nói./.
(Vietnam+)