Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 27/3/2009 9:8'(GMT+7)

Phải khẳng định thương hiệu xi măng Việt Nam ở cả trong và ngoài nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Thương hiệu Vicem không chỉ chi phối thị trường trong nước, mà phải vươn ra thị trường thế giới - Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Thương hiệu Vicem không chỉ chi phối thị trường trong nước, mà phải vươn ra thị trường thế giới - Ảnh: Chinhphu.vn

Thương hiệu Vicem cần vươn ra thị trường thế giới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận: Xi măng là một trong những ngành phát triển sớm, khai thác tiềm năng tài nguyên đất nước (đá vôi), ngành đã phát huy được hiệu quả trong nhiều năm qua, đóng góp tích cực cho xây dựng công nghiệp, nhà ở và giao thông vận tải. Vicem đã đóng vai trò chủ lực trong sản xuất, cung cấp cho thị trường và bình ổn giá.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng: Mô hình công ty mẹ - con chưa được Vicem vận hành thông suốt, sự phối hợp giữa công ty mẹ và con còn hạn chế, thương hiệu xi măng Việt Nam chưa phát triển. “Thương hiệu Vicem không chỉ chi phối thị trường trong nước, mà phải vươn ra thị trường thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc nhở việc nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng quá chậm, Thủ tướng nêu rõ, Vicem cần rà soát qui hoạch nhà máy và vùng nguyên liệu, chú ý đảm bảo hài hòa với môi trường, tiếp tục xây dựng Vicem là Tổng công ty chủ lực, nòng cốt chi phối thị trường và có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Vicem cũng cần tập trung đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm của ngành.

 

Cổ phần hóa toàn bộ Vicem vào năm 2010

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng thương hiệu Vicem còn thấp, do vậy Vicem cần cố gắng gây dựng uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng nên tiếp tục giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất hơn nữa.

Lãnh đạo Tổng công ty Vicem cho biết: Hiện nay, Vicem có 24 đơn vị thành viên bao gồm: 17 công ty cổ phần do Vicem nắm cổ phần chi phối, 7 công ty do Vicem nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong 24 đơn vị thành viên có 5 đơn vị chưa cổ phần hóa. Vicem dự kiến cổ phần hóa toàn bộ vào năm 2010 theo đúng lộ trình được Chính phủ phê duyệt. Năm 2008, Vicem đã sản xuất và tiêu thụ 16 triệu tấn sản phẩm, lợi nhuận đạt 1.275 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước. Vicem sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh xi măng, bê tông, cốt liệu, vật liệu xây dựng không nung, vận tải chuyên ngành, tư vấn đào tạo kỹ thuật xi măng. Rút dần khỏi các ngành không chủ chốt để tập trung đầu tư cho ngành chủ chốt. Vicem sẽ tái cấu trúc doanh nghiệp bao gồm 4 lĩnh vực: xi măng, vật liệu xây dựng, vận tải-hậu cần, dịch vụ đặc thù, nhằm duy trì vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam.

Để sản xuất và tiêu thụ từ 16,5 đến 18 triệu tấn sản phẩm trong năm 2009 -2010, Chủ tịch HĐQT Vicem Lê Văn Chung cam kết với Thường trực Chính phủ: Vicem sẽ hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt, chạy thử và đưa vào sản xuất thương mại các dự án trọng điểm. Cụ thể, năm 2009 đưa vào sản xuất Nhà máy xi măng Hoàng Thạch 3, công suất 1,2 triệu tấn clinker/năm, Nhà máy xi măng Bút Sơn 2, công suất 1,6 triệu tấn/năm, dự án mở rộng Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, công suất 2 triệu tấn/năm, Nhà máy xi măng Bình Phước, công suất 2 triệu tấn/năm, dự án Trạm nghiền và phân phối xi măng quận 9 (TP. Hồ Chí Minh), Trạm nghiền xi măng Long An.

Năm 2010, Vicem tiếp tục đưa vào hoạt động Nhà máy xi măng Hà Tiên 2.2, công suất 1,4 triệu tấn/năm, dự án Trạm nghiền xi măng Quảng Trị, công suất 0,25 triệu tấn/năm, Dự án Trạm nghiền xi măng Cam Ranh, công suất 0,5 triệu tấn/năm.


TG- Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất