Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 5/2/2021 14:6'(GMT+7)

Phân loại lễ hội dịp Tết để có biện pháp quản lý phù hợp

Khai hội Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN

Khai hội Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Tân Sửu 2021, cũng là mở ra một mùa lễ hội chào Xuân mới trên đất nước ta. Tuy nhiên, thời điểm này, dịch COVID-19 đang diễn biến khá phức tạp, xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Gia Lai, Bình Dương… Do đó, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố đã quyết định tạm dừng, không tổ chức lễ hội, bắn pháo hoa để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng.

Cụ thể, tại Hà Nội, trong đêm giao thừa Tết Tân Sửu (ngày 11/2) sẽ không tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã như dự kiến mà chỉ bắn pháo hoa tầm cao tại một điểm. Thành phố đang nghiên cứu địa điểm thích hợp, truyền hình trực tiếp để phục vụ người dân. Điểm bắn pháo hoa này sẽ không được tập trung đông người, đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch.

UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) quyết định không tổ chức lễ khai hội chùa Hương vào ngày 17/2 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch) để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Huyện Mê Linh không tổ chức lễ hội đền Hai Bà Trưng và các lễ hội khác trên địa bàn huyện trong dịp Tết Tân Sửu 2021. Việc dừng tổ chức sẽ đi cùng với việc hạn chế đón tiếp khách đến làm lễ dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt này…

Lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) cũng sẽ được dừng tổ chức để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân năm 2021…

Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương cho biết: Để tăng cường hiệu lực quản lý lễ hội Xuân Tân Sửu 2021, phòng chống dịch COVID-19, Cục đã đề xuất cần phân nhóm các địa phương để thực hiện các giải pháp phù hợp.

Cụ thể là các tỉnh, thành phố nơi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thấp sẽ thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, đặc biệt cần thống kê, phân loại lễ hội các cấp để có biện pháp quản lý phù hợp. Các địa phương này cần giảm quy mô; thời gian tổ chức lễ hội; thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động hội trong lễ hội.

Đặc biệt, các đơn vị tổ chức lễ hội phải đảm bảo điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế; yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động lễ hội, thăm quan di tích. Các đơn vị chức năng phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân và du khách trong việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, phòng chống dịch bệnh.

Các Ban tổ chức lễ hội cần phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; tổ chức tập huấn các biện pháp phòng dịch. Trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; các địa phương căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

Các tỉnh có nguy cơ cao lây COVID-19 trong cộng đồng dừng hẳn khai mạc, tổ chức các loại hình lễ hội tập trung đông người trên địa bàn đến khi tình hình dịch bệnh được khống chế. Các địa phương cần tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng nhiều biện pháp để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Mặt khác, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, dòng họ trong việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân tự giác chấp hành yêu cầu phòng, chống dịch, tham gia khai báo y tế tự nguyện thực hiện đầy đủ hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch tại di tích gắn với hoạt động lễ hội; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm...

Cũng theo bà Ninh Thị Thu Hương, năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức lễ hội Xuân Canh Tý gặp khó khăn, các hoạt động đều dừng không tổ chức. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân không được thực hiện. Một số giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội không được duy trì, dẫn đến một số hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội. Việc dừng tổ chức lễ hội ảnh hưởng đến nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ du khách tại lễ hội, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh.../.

TG 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất