Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 15/4/2020 15:0'(GMT+7)

Phân luồng khám chữa bệnh để giảm thiểu sự lây nhiễm COVID-19

Bệnh viện K phân luồng, chuyển sang khu vực khám sàng lọc riêng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bệnh viện K phân luồng, chuyển sang khu vực khám sàng lọc riêng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngay khi phát hiện một số ca bệnh liên quan tới một số bệnh viện, nhiều thông báo được phát đi, có không ít người dân lo lắng về trong công tác khám chữa bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phực tạp, Bộ Y tế khuyến cáo tất cả người dân cần tự bảo vệ mình, hạn chế tối đa phải đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế trừ trường hợp cần thiết, cấp cứu.

Thực hiện xét nghiệm, chụp chiếu riêng tại khu vực cách ly

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, phó giáo sư Trần Ngọc Lương-Giám đốc bệnh viện cho hay bệnh viện đã triển khai công tác sàng lọc ban đầu đối với tất cả người bệnh, người nhà người bệnh cùng các đối tác đến làm việc, trao đổi công tác tại Bệnh viện nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ để có các phương án ứng phó phù hợp.

Bệnh viện đã xây dựng quy trình sàng lọc chặt chẽ, đảm bảo tất cả người bệnh và người nhà đều được hướng dẫn qua khu vực sàng lọc. Khi đến khám, bắt buộc người bệnh, người nhà người bệnh cùng các đối tượng khác đều phải tuân thủ: đeo khẩu trang, khai báo y tế trước khi vào, đo thân nhiệt, khám sàng lọc.

Những trường hợp nghi nhiễm COVID-19 có triệu chứng và yếu tố dịch tễ sẽ được chuyển tới khu vực khám cách ly riêng biệt của Bệnh viện Bệnh Nội tiết Trung ương, được bố trí với đầy đủ trang thiết bị y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Tại đây sẽ có nhân viên viên y tế mặc trang phục bảo hộ thực hiện công tác khám sàng lọc cho các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Bệnh viện cũng lên phương án sẵn sàng thực hiện xét nghiệm, chụp chiếu riêng tại khu vực cách ly. Với những cán bộ thực hiện công tác sàng lọc ban đầu được trang bị trang phục bảo hộ.

Công tác vệ sinh khử khuẩn toàn bệnh viện cũng đặc biệt được chú trọng… Bệnh viện tăng cường tần suất vệ sinh khử khuẩn các khu vực công cộng trong toàn Bệnh viện đồng thời thường xuyên vệ sinh khử khuẩn các vị trí như: thang máy, tay nắm cửa, quầy thanh toán viện phí, ghế ngồi, cầu thang bộ, khu vệ sinh…tại các khoa, phòng điều trị cũng được yêu cầu thực hiện dọn dẹp vệ sinh thường xuyên nhằm đảm bảo không gian luôn thoáng khí, sạch sẽ.

Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các biện pháp kiểm soát cũng đã được thực hiện. Nhân viên của bệnh viện tiến hành khai báo y tế cho người bệnh và người nhà người bệnh bắt buộc tại các cổng bệnh viện; đeo mã vạch bắt buộc cho người nhà người bệnh để xác định đó là người được ở lại để chăm sóc người bệnh.

Giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho hay bắt đầu từ ngày 10/3, Bệnh viện tổ chức kiểm tra sàng lọc tất cả người bệnh và người nhà người bệnh tại các khu vực trọng yếu trước khi vào viện khám, chữa bệnh. Việc kiểm tra sức khỏe này được thực hiện theo đúng hướng dẫn công khai bao gồm: Kiểm tra thân nhiệt, khai thông tin về dịch tễ. Bất kỳ ai có triệu chứng hoặc nghi ngờ sẽ được đánh giá về mặt y tế và ngay lập tức được cách ly và chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương theo đúng quy trình.

Bên cạnh việc kiểm tra thân nhiệt, nhân viên bệnh viện còn đưa ra những câu hỏi về các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, yêu cầu người bệnh và người nhà người bệnh đeo khẩu trang trước khi vào viện, vệ sinh tay bằng dung dịch có chứa cồn.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã quán triệt nhân viên y tế sử dụng trang thiết bị bảo hộ theo quy định; nhắc nhở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, khách ra vào Viện đeo khẩu trang; bố trí dung dịch rửa tay nhanh ở các vị trí; lên phương án cách ly, phân luồng trong trường hợp có bệnh nhân hoặc người đến Viện có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19…

Tại Viện huyết học-Truyền máu Trung ương, bệnh nhân/người nhà bệnh nhân và người hiến máu được bệnh viện phân biệt rõ là hai đối tượng độc lập, đã được Viện triển khai phân luồng lối đi riêng biệt ngay từ khi vào Viện. Toàn bộ việc khám, điều trị cho bệnh nhân và các bệnh nhân khác được thực hiện ở tòa nhà riêng biệt, độc lập với tòa nhà Trung tâm Máu quốc gia, nên giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm cho người đến hiến máu tại Viện và nhân viên của Trung tâm Máu quốc gia. Nhân viên tham gia vào công tác khám, điều trị và nhân viên tiếp nhận máu cũng là 2 nhóm tách biệt.

Viện huyết học cũng đã triển khai trang bị và sản xuất mặt nạ che giọt bắn cho các đơn vị, đặc biệt là ở các khoa lâm sàng và nhân viên tham gia tiếp nhận máu. Viện sẽ tiếp tục sản xuất và trang bị mặt nạ che giọt bắn cho cả những người đến tham gia hiến máu.

Bệnh viện K đã triển khai nhiều phương án quyết liệt hơn để kiểm soát dịch bệnh như: Bố trí khu vực bệnh viện dã chiến 30 giường bệnh ngay trong bệnh viện, khai báo y tế, kiểm tra sàng lọc với tất cả 100% người đến bệnh viện bao gồm cán bộ nhân viên, người lao động.

Các nhân viên y tế trực kiểm tra 24/24 giờ và tiến hành bổ sung thêm 4 container để thực hiện khám, cách ly riêng. Bệnh viện K cũng triển khai thực hiện quy định không vào thăm người bệnh, giờ ăn luân phiên tại căng tin, mỗi người bệnh đến điều trị chỉ đi cùng một người nhà.

Cảnh giác ngay từ khi người bệnh bước chân vào cổng bệnh viện

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngành y tế yêu cầu các bệnh viện nâng cấp phòng ngừa trong công tác phòng chống dịch đồng thời sẽ thực hiện việc chuyển các bệnh nhân mắc COVID-19 có nhiều bệnh nền mãn tính, sau khi đã điều trị cho kết quả âm tính với virus SARS- CoV-2 về các bệnh viện tuyến chuyên khoa sâu để điều trị tiếp.

Về vấn đề này, phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết Bộ Y tế nâng cấp phòng ngừa ở các bệnh viện, toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh được nâng lên một cấp mới.

Theo phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, những người bệnh đến khám, cấp cứu, bệnh nhân mới ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh được coi như là đối tượng, có khả năng truyền bệnh, triệu chứng, các vấn đề liên quan đến COVI-19 để các bệnh viện nâng cao cảnh giác, không bỏ sót, không kịp phát hiện cũng như lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Giám đốc các Sở y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) trên toàn quốc tăng cường giám sát việc thực hiện chỉ đạo này. Các cơ sở y tế cần thực hiện nâng cấp, cảnh giác hơn ngay từ khi người bệnh bước chân vào cổng bệnh viện, từ bảo vệ đến khu vực cách ly. Các bệnh viện thực hiện tùy theo điều kiện, bố trí cơ sở tiếp đón nằm ngoài cơ sở khám chữa bệnh, tránh nguồn lây xâm nhập vào các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, tất cả người dân đến khám ở các cơ sở khám chữa bệnh cần liên hệ trước, tìm hiểu thông tin trước khi đến. Các cơ sở y tế củng cố đường dây nóng tư vấn cho người bệnh, các phương pháp mà người bệnh muốn tìm hiểu về bệnh, hẹn khám, qua công nghệ thông tin giúp tư vẫn cho người bệnh đầy thật đầy đủ, chỉ khi nào thật cần thết mới đến khám, cấp cứu tại cơ sở y tế.

Do đó, tất cả người dân cần tự bảo vệ mình, hạn chế tối đa phải đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế trừ trường hợp cần thiết, cấp cứu. Khi bắt buộc phải đến khám thì người dân phải đảm bảo phương tiện phòng hộ, đeo khẩu trang, làm theo đúng hướng dẫn, quy trình của Bộ Y tế./.

Theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất