Tỷ lệ phát hiện đúng của hệ thống này đạt 99,7%; tốc độ tra cứu trung bình một yêu cầu đạt được 30-45 giây trên cơ sở dữ liệu 200.000 chỉ bản 10 ngón...
Theo ông Nguyễn Ngọc Kỷ - Phòng thí nghiệm mô phỏng và tích hợp hệ thống, Cục Công nghệ tin học, Tổng cục Kỹ thuật, chủ nhiệm đề tài này, hệ thống có 2 tính năng cơ bản: Tra tìm, đối sánh vân tay 10 ngón trên cơ sở dữ liệu vân tay 10 ngón, phục vụ xác minh căn cước (đây là chức năng chủ yếu của hệ thống) và tra tìm, đối sánh dấu vết hiện trường trên cơ sở dữ liệu vân tay, tổ chức theo từng ngón để phục vụ điều tra, phá án.
C@FRIS gồm 5 phân hệ phần mềm: Nhập và mã hoá chỉ bản (vân tay) 10 ngón; biên tập và kiểm tra chất lượng mã hoá; cơ sở dữ liệu; tra tìm, đối sánh; tiếp nhận, xử lý và trả lời các yêu cầu. Nhờ đó, chấm dứt tình trạng phải chờ đợi kết quả xác minh, cấp trích lục tiền án tiền sự, cấp lý lịch tư pháp kéo dài ngày như trước đây.
Ông Nguyễn Ngọc Kỷ cũng cho biết, C@FRIS đáp ứng được 7 tiêu chí cơ bản mà các hãng quốc tế thường dùng để đánh giá một hệ thống nhận dạng vân tay, đó là: Tính tiện dụng, độ chính xác, tốc độ tra cứu, công suất chuyển đổi, tính mở, tính tương thích, đa chức năng.
Hệ nhận dạng vân tay tự động này đã được triển khai thí điểm tại PC27 Công an Hà Nội. Hệ thống đã hoàn toàn thay thế được công tác tra cứu thủ công theo chỉ bản và đã tra cứu xác minh căn cước đối tượng cho khoảng 20.000 yêu cầu/năm.
Nhóm tác giả đã tham khảo sử dụng nhiều bộ công cụ phát triển của các hãng nổi tiếng trên thế giới để học tập và từng bước thay thế bằng bộ công cụ "nội lực", hoàn toàn trong nước. Giá thành hệ C@FRIS chắc chắn thấp hơn nhiều lần giá thành của các hệ nhập ngoại. Kết quả nghiên cứu ứng dụng đạt được là cơ sở quan trọng để lãnh đạo Bộ Công an cho chủ trương ứng dụng rộng rãi trong toàn ngành đang có nhiều đòi hỏi cấp thiết.