Sáng 9/12, nhân Ngày nhân quyền thế giới (10/12), Học viện Chính trị- Hành Chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam”.
Các đại biểu cho rằng, những quy định của pháp luật Việt Nam ngày nay đã bao quát đầy đủ và tương thích với Luật Quốc tế về quyền con người, từ các quyền dân sự, chính trị đến các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá.
Ngay sau khi trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc năm 1977, Nhà nước ta đã nhanh chóng ký kết và phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, trong đó có hai công ước bao quát đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người, đó là Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị 1966; Công ước quốc tế, về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá, 1966. Đồng thời Nhà nước ta đã nội luật hoá các công ước đó vào hệ thống pháp luật quốc gia.
Theo thống kê, từ 1986 đến nay, Quốc hội đã thông qua 58 Luật, 43 Pháp lệnh, trong đó có những bộ luật lớn trực tiếp bảo đảm các quyền con người như: Bộ luật Hình sự, bộ Luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Lao động, Luật Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em….
Theo GS.VS Nguyễn Duy Quý, công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam không ngoài mục đích đem lại độc lập cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân và đương nhiên là cho mỗi con người với giá trị cao cả là quyền con người. Chúng ta đã và đang thực hiện dân chủ Xã hội Chủ nghĩa nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát huy mọi tiềm lực của nhân dân để phát triển đất nước, phấn đấu “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” cũng không ngoài mục đích cao cả ấy: Củng cố vững chắc độc lập dân tộc, xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội là những điều kiện cơ bản để bảo đảm quyền con người ở nước ta.
Tham luận về thành tựu trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam, TS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Ban Tôn giáo Chính phủ nhận định: Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người. Trong quá trình vận động cách mạng cũng như trong quản lý nhà nước, điều hành xã hội, quản lý đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ được quan tâm và tạo điều kiện của các cấp chính quyền; việc bày tỏ đức tin của tín đồ, lễ nghi, lễ hội tôn giáo được diễn ra bình thường không có sự phân biệt giữa các tổ chức tôn giáo; việc phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo cũng như việc xuất cảnh của chức sắc tôn giáo được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo được duy trì và mở rộng, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân tôn giáo; việc in ấn kinh sách và xuất bản các ấn phẩm khác liên quan đến tôn giáo được thực hiện thường xuyên, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các tổ chức tôn giáo, các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu, hợp tác với các tổ chức tôn giáo nước ngoài; việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo được quan tâm tạo điều kiện giải quyết thoả đáng theo quy định của pháp luật...
Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận đã nêu các vấn đề liên quan đến tự do báo chí, tự do ngôn luận ở nước ra; thành tựu đảm bảo quyền phụ nữ ở Việt Nam…
Theo VOVNews