(TG) - Chiều ngày 1/7, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Lễ Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale 2020.
Tới dự Lễ phát động có: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh; Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề, các doanh nghiệp và đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới và của nước ta, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu và hoạt động thương mại của thị trường nội địa.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 6/2020 đạt 424.120 tỷ đồng, tăng 6,06% so với tháng trước và tăng 3,66% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 2.358.280 tỷ đồng, giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2019. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước tính đạt 1.895,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,3% tổng mức và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đây được cho là kết quả tích cực. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào trạng thái tăng trưởng âm như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Để phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị đã đưa ra các chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế. Tại Kết luận số 77-KL/TW ngày 5 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, trong đó có nhiệm vụ: Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch.
Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới nhằm phòng, chống dịch Covid-19, với mục tiêu nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới. Bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo. Theo đó, đưa ra hàng loạt các hoạt động, giải pháp, trong đó có hoạt động: Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và triển khai Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia áp dụng trên toàn quốc.
Để thực hiện hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, Bộ Công Thương đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, ngành nghề, các đơn vị, tổ chức có liên quan trên địa bàn tham gia, hưởng ứng các hoạt động kích cầu do Bộ Công thương tổ chức, đồng thời phát động các chương trình kích cầu tại địa phương, gắn các hoạt động kích cầu tiêu dùng với các hoạt động kích cầu du lịch và các dịch vụ khác; nghiên cứu, tổ chức các mô hình kinh tế đêm, hệ thống bán lẻ lưu động hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương và các quy định hiện hành.
Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa năm 2020 của Bộ Công thương được tổ chức với các hoạt động: Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 từ ngày 1/7 - 31/7/2020. Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam của các doanh nghiệp Việt Nam, quảng bá các sản phẩm thực phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thông qua các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm.
Tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng; giữa các đơn vị sản xuất với nhau; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" tại một số địa phương.
Tổ chức Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam", các hội chợ, triển lãm để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tới người tiêu dùng.
Ban tổ chức tin tưởng rằng các hoạt động của Chương trình sẽ đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khắc phục tác động của đại dịch Covid - 19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, phấn đấu đạt mục tiêu Quốc hội giao./.
Thu Thủy-Bộ Công Thương