Sáng 21/3, thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” nhằm đưa ra các luận cứ khoa học, giải pháp để thành phố phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa của Thăng Long-Hà Nội, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng (vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) và cả nước cùng phát triển...
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến
Dũng cùng các lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân; đại diện lãnh đạo Ban
Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo các địa
phương vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và đông đảo các chuyên gia,
nhà khoa học...
NGUỒN LỰC NỘI SINH CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THỦ ĐÔ
Với 1.000 năm tuổi, Thằng Long-Hà Nội là nơi hội tụ, kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc
Việt Nam, tỏa sáng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình. Hà Nội tự hào là
“Thành phố di sản” với hệ thống 5.922 di tích văn hóa, 1.793 di sản văn
hóa phi vật thể trong đó có nhiều di sản được UNESCO ghi danh là Di sản
văn hóa thế giới.
Hà Nội còn là “đất trăm nghề” với trên 1.350 làng nghề và làng có
nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống cùng hơn 70
không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang
bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng...
Xác định phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa là cách hiệu quả
nhất để phát triển Thủ đô, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt việc
bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một
trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển. Liên tục
trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố đều ban hành chương trình riêng
về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh.
Tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định Thành
ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa
trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công
nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và
thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi
nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao, hoạt động có tính
chuyên nghiệp. Dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát
triển văn hóa, thành phố tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục
tiêu bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn
hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn
hóa.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng với các đại biểu tham quan trưng bày tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh cùng với cả nước, Thủ đô đang quyết
liệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Nghị
quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ 17. Năm 2023, thành phố
triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng, là xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi; lập Quy hoạch Thủ đô; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây
dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là cơ hội quan
trọng để nhìn nhận, đánh giá tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận
chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển;
định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy
động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn
minh - Hiện đại."
GIẢI PHÁP KHAI THÁC TỐI ĐA NGUỒN LỰC VĂN HÓA
Tại Hội thảo, các nhà quản lý văn hóa, chuyên gia, nhà khoa học đã có
nhiều đề xuất, sáng kiến tư vấn trong phát huy các giá trị và nguồn lực
văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô phát triển văn minh, hiện đại.
Theo Tiến sỹ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy
hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đô thị hóa là quá trình tất yếu và
khách quan, song để phát triển bền vững không thể không quan tâm đến một
trong các yếu tố quan trọng là lấy văn hóa, văn minh đô thị, tạo lập
bản sắc làm nền tảng phát triển đô thị.
Để thực hiện định hướng và yêu cầu này, thành phố Hà Nội cần nhận
diện quỹ di sản để có giải pháp tạo hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị,
nhất là với các khu vực cải tạo, tái thiết khu vực phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, thành phố cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng
trong khu vực di sản khi lập quy hoạch; bổ sung và hoàn thiện từng bước
cơ sở pháp lý liên quan đến bảo tồn di sản trong quy hoạch Thủ đô.
Thành ủy Hà Nội đã ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn
hóa trên địa bàn; trong đó, tập trung xây dựng, phát triển, định vị
thương hiệu Thành phố sáng tạo. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà
nghiên cứu cũng đề xuất giải pháp huy động nguồn lực văn hóa trong phát
triển thương hiệu Thành phố sáng tạo.
GS. TS. Đặng Cảnh Khanh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn
hóa, Giáo dục của Quốc hội đề xuất, thành phố Hà Nội cần đổi mới, nâng
cao nhận thức; hoàn thiện tổ chức, bộ máy để huy động nguồn lực; hoàn
thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực; tổ chức các sự kiện, hoạt
động để huy động nguồn lực cho Thành phố sáng tạo. Tham gia mạng lưới
Thành phố sáng tạo là cơ hội lớn để phát huy tiềm năng sáng tạo, biến
sáng tạo thành nguồn lực phát triển của thành phố.
Các ý kiến tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ
quan nghiên cứu bằng các luận cứ khoa học sẽ là cơ hội quan trọng trong
công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ban, ngành thành phố trong triển
khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, phát huy mạnh mẽ truyền
thống ngàn năm văn hiến, tinh thần chủ động sáng tạo.
Tại đây, Ban tổ chức đã thiết kế ba không gian gồm không gian chính
của hội thảo; không gian trải nghiệm văn hóa tiêu biểu của Thăng Long-Hà
Nội (sản phẩm nghề truyền thống, ấn phẩm văn hóa Hà Nội) và không gian
văn hóa ẩm thực Hà Nội./.
TTXVN