Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Bảy, 19/11/2016 14:37'(GMT+7)

Phát huy tiềm lực của người Việt Nam ở nước ngoài

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các đại biểu kiều bào dự hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các đại biểu kiều bào dự hội nghị.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ ba (Hội nghị) vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước, ngoài nước. Tại Hội nghị, nhiều tiếng nói tâm huyết và niềm mong mỏi được đóng góp nhiều hơn cho đất nước đã được cất lên. Và không khí của Hội nghị đã phản ánh sự thay đổi to lớn trong nhận thức, cũng như sự tự ý thức về trách nhiệm của người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Với sự có mặt của hơn 500 đại biểu đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể nói, Hội nghị đã đạt kết quả tốt đẹp. Điều này gợi nhớ tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ nhất tổ chức năm 2009, không ít đồng bào còn dè dặt, có tâm lý thăm dò, nghe ngóng, thậm chí còn dè chừng vì trở về nơi cư trú sẽ chịu “điều tiếng” từ những người thiếu thiện chí.

Đến Hội nghị lần thứ ba này, dường như tâm lý đó đã được xóa bỏ. Trên diễn đàn Hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, cởi mở đã được chia sẻ. Xóa bỏ định kiến và mặc cảm để cùng đi tới, chung tay đóng góp công sức với đất nước là mong mỏi của nhiều bà con; và đất nước cũng trông đợi điều đó, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đất nước luôn chào đón những người con của dân tộc trở về, đem theo tấm lòng, hoài bão, ý tưởng, nguồn lực, để đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Như chuyện trở về của một người Mỹ gốc Việt - bà Kiều Linh Caroline Valverde (Ca-rô-lin Van-véc-đe) đã khiến nhiều người xúc động. Rời Việt Nam đến Mỹ lúc 5 tuổi, môi trường sống mới khiến bà quên tiếng Việt, quên phong tục tập quán của người Việt Nam mà bà mới học được đôi điều. Nhưng câu hỏi: “Nếu là người Việt thì điều gì khiến mình nhận ra nguồn gốc của mình?” luôn trở đi trở lại trong tâm trí, và đã thôi thúc bà Kiều Linh học tiếng Việt để lấy đó làm phương tiện, rồi từng bước kết nối với quê hương. Bà nghiên cứu về cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở Mỹ.

Tác phẩm Transnationalizing Vietnam (Xuyên quốc gia Việt Nam) là thành quả từ quá trình tìm hiểu rất công phu, tâm huyết của bà. Rồi bà Kiều Linh trở về Việt Nam, dành thời gian, công sức nghiên cứu lịch sử đất nước, cũng như tìm hiểu mối liên hệ giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Hiện là giáo sư, tiến sĩ giảng dạy tại Đại học UC Davis về văn hóa Việt Nam và châu Á, bà Kiều Linh vẫn không ngừng tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Bà đang mong muốn mở một trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Đại học UC Davis.

TS Nguyễn Thanh Mỹ - người con của tỉnh Trà Vinh, rời Việt Nam sang Canada khi đã trưởng thành. Ông được biết đến như một doanh nhân thành đạt ở Canada với Công ty American Dye Source Inc (ADS) chuyên nghiên cứu, sản xuất vật liệu hữu cơ dùng trong ngành in, phát quang, điện tử hữu cơ, tạo hình ba chiều, màng biến đổi năng lượng mặt trời hữu cơ, chống hàng giả... Năm 1999, ông về thăm quê hương. Theo ông, chính chuyến đi “định mệnh” ấy, được tận mắt nhìn những đổi thay ở Việt Nam, nhất là chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài trở về đầu tư, kinh doanh, xây dựng, phát triển đất nước đã thôi thúc ông phải làm điều gì đó ý nghĩa cho quê nhà.

Dự án Mylan Chemicals và Mylan Printing Media (hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, vật liệu quang điện tử, vật tư ngành in) có vốn đầu tư ban đầu 10 triệu USD là một hành động ý nghĩa và rất thiết thực của TS Nguyễn Thanh Mỹ với quê hương Trà Vinh. Theo thông tin được phản ánh trên báo chí, sau 6 năm đi vào hoạt động, sản phẩm từ Tập đoàn Mỹ Lan của TS Nguyễn Thanh Mỹ đã xuất khẩu đến các nước như Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Trung Quốc..., và Tập đoàn cũng trở thành nhà sản xuất bản kẽm CTP có uy tín quốc tế...

Sự trở về của bà Kiều Linh, ông Nguyễn Thanh Mỹ chỉ là hai thí dụ cho thấy tấm lòng tâm huyết của đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong nhiều năm qua. Từ năm 1993 tới năm 2004, số người Việt Nam ở nước ngoài về nước tăng từ 160.000 lượt người/năm lên 430.000 lượt người/năm, tức là tăng gần ba lần. Hàng nghìn dự án được đầu tư về trong nước, nhờ đó lượng kiều hối không ngừng tăng.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từ năm 1991 đến nay, lượng kiều hối về Việt Nam tăng bình quân hằng năm đạt mức trên 38%; tổng lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 đến năm 2015 đạt khoảng 108,6 tỷ USD. Riêng năm 2015, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đón lượng kiều hối là 12,25 tỷ USD (tăng khoảng 0,25 tỷ USD so với năm 2014), đứng thứ 11 trên thế giới. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tích cực phát huy vai trò làm cầu nối giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; sự hợp tác của nhiều doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp, doanh nhân trong nước đã mở rộng cánh cửa thị trường quốc tế cho hàng hóa Việt Nam.

Đặc biệt, sự tham gia của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cũng góp phần tạo các “cú huých” trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ... và triển khai các dự án từ thiện xã hội ở trong nước. Số liệu thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, 10 năm qua, bình quân hằng năm có khoảng 300 lượt trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, và tiếp tục tăng trong các năm gần đây. Không thể không nhắc tới tên tuổi các trí thức với trí tuệ và tâm huyết đã trở về tham gia giảng dạy, bồi dưỡng thế hệ trẻ trong nước, như: GS, TS Trần Thanh Vân (ngành vật lý - Pháp); GS, TS Võ Văn Tới (ngành hàng không - Mỹ); GS Trương Nguyện Thành (ngành hóa lượng tử - Mỹ); TS Nguyễn Đình Uyên (ngành viễn thông - Mỹ)...

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ ba vừa qua là một trong những biểu hiện sinh động cho tính đúng đắn, hiệu quả từ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã nhấn mạnh: Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước...

Đảng và Nhà nước mong muốn, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại, chăm lo xây dựng cuộc sống, làm ăn thành đạt, nêu cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, đoàn kết đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước bà con sinh sống với nước nhà, tùy theo khả năng và điều kiện của mỗi người góp phần xây dựng quê hương đất nước, chủ động đấu tranh với các biểu hiện cố tình đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW trong giai đoạn 2016 - 2020, ngày 5-4-2016 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể gồm: 1. Tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW; 2. Thực hiện đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; 3. Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại; 4. Bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người Việt Nam ở nước ngoài; 5. Huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 6. Tăng cường thông tin tuyên truyền đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; 7. Hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; 8. Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động kiều bào; 9. Kiện toàn bộ máy tổ chức, cơ chế phối hợp làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

Đó là các nội dung hết sức thiết thực, vừa thể hiện quan điểm nhất quán, vừa là tấm lòng của người Việt Nam trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài. Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu kể trên, rất cần sự chung sức, chung lòng của cộng đồng người Việt Nam trong nước và ngoài nước. Tin tưởng rằng khi tiềm lực của người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng phát huy và cộng hưởng, chắc chắn sẽ tạo nên sức mạnh to lớn để đất nước phát triển bứt phá mạnh mẽ về mọi mặt.


Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất