Các nội dung làm việc gồm: Tình hình khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt; giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, xuất nhập khẩu, 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo Quyết định số 435/QĐ-TTg
TIẾT KIỆM CHI, DÀNH 1.000 TỶ ĐỒNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO LŨ
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết, bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho Quảng Ninh. Toàn tỉnh có 30 người chết; 1.609 người bị thương; trên 102,8 nghìn nhà bị tốc mái; 254 nhà bị đổ sập; trên 5.000 nhà bị ngập, sạt lở; hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 116 tàu cá bị chìm; 117,8 nghìn ha rừng trồng bị gãy đổ… Ước tính tổng thiệt hại khoảng 25.000 tỷ đồng.
Sau bão, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, khắc phục nhanh chóng các thiệt hại, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiện ích cơ bản, hỗ trợ kịp thời cho người dân. Tỉnh cấp 180 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão. HĐND tỉnh cũng quyết định tiết kiệm chi để dành 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão lũ trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
9 tháng năm 2024, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định theo đúng mục tiêu đặt ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,02%. Tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổng thể, toàn diện để giải quyết các vấn đề tồn đọng, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công; thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách tỉnh và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024. Tính đến ngày 30/9, tổng kế hoạch vốn đầu tư công sau điều chỉnh là hơn 16.165 tỷ đồng. Vốn giải ngân đến 30/9 đạt 4.592 tỷ đồng, bằng 32,2% kế hoạch vốn giao đầu năm, thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ giải ngân 40%).
Theo đồng chí Cao Tường Huy, Quảng Ninh cũng chú trọng triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác đảm bảo an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng, có nhiều chuyển biến quan trọng trong phát triển văn hóa - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo.
Cùng với chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành, triển khai những chính sách riêng nhằm bảo đảm an sinh xã hội như chăm sóc, trợ giúp người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế, người nghèo; hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ bảo hiểm y tế.
Tại buổi làm việc, Quảng Ninh nêu nhiều kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tổ chức đơn vị chịu ảnh hưởng bởi bão số 3; điều chỉnh cục bộ đồ án các quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; chính sách đối với Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng tại Khu công nghiệp Việt Hưng. Các bộ, ngành cũng giải đáp các ý kiến, kiến nghị của tỉnh về các vấn đề này, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển trong thời gian tới.
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN, THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình biểu dương tinh thần chủ động, trách nhiệm, tự lực, tự cường của Quảng Ninh trong ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3. Tỉnh đã nhường khoản hỗ trợ 100 tỷ đồng của Trung ương cho các địa phương khác. Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã khắc phục được đứt gãy các dịch vụ thiết yếu cơ bản; từng bước ổn định đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Quảng Ninh ban hành một số chính sách khẩn cấp hỗ trợ người dân; triển khai xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão; khẩn trương khôi phục sản xuất, nhất là các động lực kinh tế.
Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề bởi cơn bão, những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của tỉnh là rất đáng khích lệ. Phó Thủ tướng hoan nghênh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, có những chỉ tiêu về đích sớm trước 2 năm như xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2023, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận các kết quả khá toàn diện của Quảng Ninh trong triển khai Đề án 06; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số...
Lưu ý tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh thấp hơn so với mức bình quân của cả nước (46,3%), đạt 30% và cũng là tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong Vùng đồng bằng sông Hồng, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần tập trung khắc phục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, kết quả thu ngân sách của tỉnh cũng còn hạn chế, mới đạt 75% dự toán. Ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Quảng Ninh cần chú ý đến việc tăng thu.
Nhắc đến Quảng Ninh có lợi thế cạnh tranh rất tốt, môi trường đầu tư của tỉnh được xem là thông thoáng, nhưng thu hút vốn FDI năm 2024 mới đạt 60,6% kế hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần lưu ý tăng kêu gọi thu hút đầu tư.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, hậu quả do bão số 3 gây ra đã cơ bản được khắc phục nhưng nhiều việc cần tiếp tục triển khai, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 143, phục hồi sản xuất, sửa chữa nhà cửa, đường sá. Thiên tai biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, do vậy, thời gian tới, việc nuôi trồng thủy sản trên biển cần có chuyển đổi phù hợp.
Tỉnh bám sát, triển khai hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Trung ương; phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế đầu tàu tăng trưởng trong phát triển vùng và cả nước.
Về 17 đề nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng ghi nhận, đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT Ô TÔ
Trong chuyến công tác tại Quảng Ninh, vào đầu giờ chiều, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình và đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng (Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long), do Tập đoàn Thành Công (TC Group) làm chủ đầu tư. TC Group đang đầu tư phát triển Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng trên tổng quy mô 400 ha tại Khu công nghiệp Việt Hưng với vị trí thuận lợi cho cả giao thương nội địa và quốc tế. Tổ hợp được quy hoạch các khu vực như: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô; Nhà máy sản xuất pin và động cơ; Khu vực kho; Khu phụ trợ; Khu dịch vụ…
Là dự án trung tâm tại Tổ hợp, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng là nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đa thương hiệu đã được TC Group đầu tư xây dựng với quy mô khang trang, có tổng công suất thiết kế trên 120.000 xe/năm, dây chuyền thiết bị hiện đại, mức độ tự động hóa cao, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Chúc mừng Tập đoàn đã đầu tư thành công ở Ninh Bình và bước đầu đầu tư tương đối bài bản ở Quảng Ninh, Phó Thủ tướng cho rằng, trong tương lai đây là trọng điểm công nghiệp, mang lại nguồn thu đáng kể cho tỉnh.
Cho biết, nước ta có lịch sử phát triển công nghiệp ô tô hơn 30 năm nhưng ô tô thuần chủng Việt Nam chưa có, theo Phó Thủ tướng, đây là điều đặt ra cho các nhà sản xuất ô tô trong nước cố gắng, tăng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 80%, làm chủ công nghệ nguồn, công nghệ lõi. Trong khi chúng ta mới tính đến làm chủ công nghệ sản xuất ô tô truyền thống thì thế giới đã chuyển sang lĩnh vực xanh với các dòng xe điện, xe hybrid và trong tương lai chưa chắc đây đã là công nghệ cuối, nên phải đi trước, đón đầu.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định, Chính phủ nhất quán chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, công nghệ mới. Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ ưu đãi qua các nguồn lực từ quỹ đầu tư../.
TTXVN