1. Thực hiện Nghị định số 32/CP, ngày 22/2/1973 của Hội đồng Chính phủ về sửa đổi tổ chức bộ máy Bộ Công an và chuyển giao tổ chức nhiệm vụ bảo vệ nội địa của Công an nhân dân vũ trang sang lực lượng Cảnh sát nhân dân, ngày 6/1/1974, Bộ trưởng Công an ra Quyết định số 33-CA/QÐ và Thông tư số 03/TT/TC, ngày 7/1/1974 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức lực lượng Cảnh sát bảo vệ (trong đó có Cảnh sát cơ động) từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, ở Bộ có Cục Cảnh sát bảo vệ (CSBV); ở các sở, ty Công an có Phòng CSBV và các đội trực thuộc các Phòng. Ngày 15/4/1974, Bộ Công an đã tổ chức trọng thể lễ thành lập Cục Cảnh sát bảo vệ.
Thành lập trong bối cảnh toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đang
dành toàn bộ sức lực, trí tuệ tập trung cho hai nhiệm vụ chiến lược là:
Thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam,
tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.
Thời kỳ này, lực lượng Cảnh sát
cơ động (CSCÐ) luôn kề vai sát cánh với các lực lượng vũ trang và quần
chúng nhân dân, giữ vững an ninh trật tự (ANTT) của đất nước, bảo vệ
tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Ðảng, Nhà nước; trấn áp vụ bạo
loạn gây rối do một số phần tử xấu trong thương binh gây ra tại Ninh
Bình; trực tiếp chiến đấu, đánh sâu vào vùng tạm chiến, phá tề, trừ
gian, diệt ác, giành thắng lợi trên mặt trận giữ gìn ANTT; tham gia tiếp
quản miền nam sau giải phóng; tổ chức lực lượng truy quét tàn quân ngụy
còn lẩn trốn, bọn tội phạm hình sự, trộm cắp, đấu tranh khám phá các tổ
chức phản động, chống phá, mưu đồ "phục quốc".
Phối hợp với các lực
lượng nghiệp vụ trong công an nhân dân (CAND) chuẩn bị địa điểm, xây
dựng kế hoạch bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước ở miền nam;
đóng góp quan trọng bảo vệ thành công ngày hội mừng chiến thắng trong cả
nước (ngày 15/5/1975). Ðồng chí Nguyễn Văn Ràng là tấm gương đầu tiên
của lực lượng CSCÐ đã anh dũng hy sinh, để bảo vệ thành quả của cách
mạng, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân sau ngày giải phóng.
Tổng duyệt phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng CSCĐ (15/4/1974 - 15/4/2024) và đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ hai của Bộ Tư lệnh CSCĐ. (Nguồn: bocongan.gov.vn)
2.
Ðất nước thống nhất và bước vào thời kỳ tiến hành cách mạng xã hội chủ
nghĩa trên phạm vi cả nước. Cùng với những hậu quả nặng nề của 30 năm
chiến tranh (1945-1975), cách mạng nước ta đứng trước những thách thức
không nhỏ, trong đó có những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an
toàn xã hội (TTATXH).
Xác định rõ "Công an thì phải đánh địch thường
xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc", lực
lượng CSCÐ tiếp tục được xác định là lực lượng vũ trang tin cậy, sắc
bén, là "lá chắn thép" của Ðảng, Nhà nước, là nòng cốt trong cuộc đấu
tranh bảo vệ an ninh, trật tự.
Trong giai đoạn này, lực lượng CSCÐ đã
tăng cường cho Công an Lạng Sơn tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới
phía bắc; phối hợp cùng lực lượng an ninh bắt sống, tiêu diệt bọn biệt
kích, gián điệp xâm nhập lãnh thổ nước ta (chuyên án CM12); khám phá
truy quét bọn phản động Fulrô.
Trong cuộc chiến đấu đó đã có nhiều cán
bộ chiến sĩ (CBCS) dũng cảm chiến đấu và hy sinh anh dũng như: Hoàng Văn
Trai, Triệu Văn Phong, Hoàng Văn Tấm, Hoàng Văn Liên, Phạm Tiến Dũng,
Lưu Thế Hà..., những tấm gương đó đã đem sức trẻ, tuổi thanh xuân và máu
của mình tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc và truyền thống của lực lượng
CAND.
Trong giai đoạn thực hiện sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất
nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lợi dụng tình hình kinh tế, xã hội
của nước ta gặp khó khăn, được sự tiếp sức của các thế lực thù địch từ
bên ngoài, bọn phản động, đối tượng bất mãn trong nước tăng cường hoạt
động chống phá cách mạng, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo,
nông thôn... nhằm gây mâu thuẫn trong nhân dân.
Lực lượng CSCÐ đã tham
mưu cho Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và trực tiếp
tham gia giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ANTT, an ninh nông thôn,
các tụ điểm phức tạp về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội như: Vụ tụ tập
đông người, gây rối ANTT tại Thái Bình (1997), Nam Ðịnh (2002); vụ
chống đối quyết liệt của một số học sinh Trường trung học Phật giáo Baly
Chùa Nước Mặn-Sóc Trăng (2006), vụ lợi dụng tôn giáo gây rối ANTT tại
178 Nguyễn Lương Bằng, 42 Nhà Chung, Hà Nội và TP Ðồng Hới, Quảng Bình;
các vụ khiếu kiện đông người, bức xúc tại Phú Yên, Bình Thuận, Hưng Yên,
Hải Dương, Ðồng Nai…
Các đợt ra quân bắt, khám xét hàng trăm đối tượng
đặc biệt nguy hiểm trong các tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu "xã
hội đen", như: Khánh trắng ở Hà Nội, Trương Văn Cam ở Thành phố Hồ Chí
Minh; bắt và dẫn tội phạm trong các chuyên án ma túy lớn do Nguyễn Văn
Tám, Hà Tý Tồ, Phạm Bá Dìn, Trịnh Nguyên Thủy cầm đầu, xóa các tụ điểm
phức tạp về ma túy như ở Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; vũ
trường Newcentury Hà Nội; các tụ điểm đánh bạc với quy mô lớn liên tỉnh ở
Thạch Thất (Hà Tây trước đây); Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu...
Tham
gia giải cứu con tin tại Mê Linh, Vĩnh Phúc. Ðặc biệt là, đã thực hiện
tốt nhiệm vụ trấn áp, giải tán biểu tình, gây rối, bạo loạn chính trị
đòi thành lập "nhà nước Ðề ga độc lập" tại một số tỉnh Tây Nguyên vào
tháng 2/2001 và tháng 4/2004; tăng cường lực lượng phá tan đường dây
buôn lậu xuyên quốc gia tại Hang Dơi, Lạng Sơn; tham gia chữa cháy rừng U
Minh tại Kiên Giang; cứu hộ, cứu nạn vụ sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm
2007; hỗ trợ nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai
tại Quảng Ninh, Ðà Nẵng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang.
Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tặng quà động viên các chiến sĩ tham gia Tổng duyệt phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống
lực lượng CSCĐ (15/4/1974 - 15/4/2024) và đón nhận
danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ hai của Bộ Tư
lệnh CSCĐ.
(Nguồn: bocongan.gov.vn)
3.
Thực hiện Nghị định số 77/2009/NÐ-CP, ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công an,
ngày 11/12/2009, Bộ trưởng Công an đã ký, ban hành Quyết định số
4058/QÐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy của
Bộ Tư lệnh CSCÐ. Theo Quyết định này, Bộ Tư lệnh CSCÐ (số hiệu K20) là
đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, được thành lập trên cơ sở các đơn vị CSCÐ,
cảnh sát đặc nhiệm tách ra từ Cục Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp.
Tháng 12/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh CSCÐ và đến
năm 2014, Bộ trưởng Công an ký ban hành Quyết định số 4188 quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư lệnh CSCÐ; chuyển
giao nhiệm vụ và tổ chức của Cục Cảnh sát bảo vệ, Cục quản lý huấn
luyện và sử dụng chó nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành
chính về TTATXH sang Bộ Tư lệnh CSCÐ.
Năm 2018 theo Nghị định số
01/NÐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Công an, Bộ trưởng Công an đã ký, ban hành Quyết định số
4002, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ
Tư lệnh CSCÐ (số hiệu K02), là đơn vị nòng cốt thực hiện biện pháp vũ
trang bảo vệ an ninh, giữ gìn TTATXH trên toàn quốc.
Ðặc biệt, tháng
3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Ðề án "Hiện
đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn 2030"; năm
2023, Bộ Công an đã quyết định thành lập các đơn vị mang tính đặc thù,
thể hiện tính cơ động, vũ trang, chiến đấu cao như lực lượng Kỵ binh,
Trung đoàn Không quân CAND...
Tháng 1/2024, theo Quyết định 268 của Bộ
Công an về tổ chức bộ máy của Bộ Tư lệnh CSCÐ được kiện toàn theo hướng
chuyên sâu, tập trung thống nhất, đảm bảo đầy đủ và phân định rõ ràng,
rành mạch; các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh và CSCÐ công an các địa
phương bố trí theo các vùng chiến lược, các địa bàn trọng yếu, tạo nên
thế trận an ninh vững chắc, đảm bảo tính cơ động, tiếp ứng nhanh khi có
tình huống xảy ra. Ðây là minh chứng cho sự chuyển mình ngày càng chính
quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao của lực
lượng CSCÐ.
Song song với nhiệm vụ củng cố kiện toàn tổ chức bộ
máy và xây dựng lực lượng, Bộ Tư lệnh CSCÐ đã chủ động nghiên cứu, tham
mưu đề xuất Ðảng, Chính phủ, Ðảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ
Công an những vấn đề cần thiết, cấp bách về chức năng, nhiệm vụ, trang
bị phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, chế độ chính sách.
Ðiển hình là,
tăng cường CBCS hỗ trợ truy bắt các đối tượng cầm đầu tổ chức phản động
lợi dụng "Tà đạo Hà Mòn" để tuyên truyền kích động chống phá Nhà nước;
tấn công, truy tìm, bắt giữ nhiều đối tượng đòi thành lập "Vương quốc
Mông" tại Mường Nhé, Ðiện Biên; tham gia triệt phá băng nhóm tội phạm
liên tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội. Tăng cường lực lượng giải quyết
các điểm nóng về khiếu kiện đất đai tại chùa Bái Ðính (Ninh Bình), Văn
Giang (Hưng Yên), vụ lợi dụng tôn giáo biểu tình bất hợp pháp tại Nghi
Lộc và Diễn Châu, Nghệ An; vụ lợi dụng Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn
khoan Hải Dương-981 để kích động, biểu tình, đập phá, cướp tài sản tại
các khu công nghiệp tại Bình Dương, Ðồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và
Hà Tĩnh... Ðặc biệt, gần đây nhất, tháng 6/2023 đã huy động lực lượng
phối hợp với Công an tỉnh Ðắk Lắk kịp thời truy xét, bắt giữ nhóm đối
tượng khủng bố tấn công trụ sở xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin,
tỉnh Ðắk Lắk... và các chuyên án đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy,
càng khẳng định trí tuệ, bản lĩnh, sự hy sinh, trách nhiệm trước Ðảng,
Nhà nước và nhân dân của lực lượng CSCÐ.
Ðồng
thời đã triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các đợt cao điểm
tấn công, trấn áp tội phạm chủ động khảo sát nắm tình hình, xây dựng
phương án, kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ điều động nhiều lượt CBCS hỗ
trợ các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an các địa phương tham gia đấu
tranh triệt phá các chuyên án khai thác cát, sỏi trái phép tại Ðồng Nai,
Bến Tre; bắt giữ các đối tượng nguy hiểm theo Quyết định của Tòa án
nhân dân tối cao.
Triển khai kế hoạch, phương án tăng cường lực lượng hỗ
trợ Công an tỉnh Sơn La triệt phá tụ điểm ma túy tại bản Tà Dê, xã Lóng
Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La; tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục
tiêu quan trọng của Ðảng và Nhà nước; huy động hàng nghìn lượt CBCS áp
tải, bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Chính phủ đến các tỉnh thành
trong cả nước đảm bảo tuyệt đối an toàn; phối hợp với các lực lượng tham
gia bảo vệ an toàn các kỳ họp của Ðảng, Quốc hội, các sự kiện chính
trị, văn hóa xã hội quan trọng, các đoàn nguyên thủ, khách quốc tế đến
thăm và làm việc tại Việt Nam… được lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, nhân dân
khen ngợi, bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Trải qua 50 năm, lực
lượng CSCÐ luôn chiến đấu, xây dựng và phát triển, đã và sẽ tiếp bước
xứng đáng truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, nguyện một lòng
tận trung với Ðảng, tận hiếu với dân, kiên quyết, mưu trí, dũng cảm sẵn
sàng chủ động ra quân nhanh, trấn áp mạnh, đập tan mọi âm mưu phá hoại
của các thế lực thù địch, bọn phản động, các loại tội phạm và các hành
vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị và TTATXH, phục vụ đắc
lực sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát
triển và hội nhập trong tình hình mới./.
Với những chiến công, thành tích xuất sắc của mình, lực lượng CSCÐ đã được Ðảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý: 12 tập thể, 15 cá nhân vinh dự được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 4 Huân chương Hồ Chí Minh; 3 Huân chương Quân công hạng nhất; 3 Huân chương Quân công hạng nhì; 4 Huân chương Quân công hạng ba; 1 Huân chương Lao động hạng nhì; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; 13 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì; 36 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba; 5 Huân chương Chiến công hạng nhất; 12 Huân chương Chiến công hạng nhì; 23 Huân chương Chiến công hạng ba; 10 lần được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua.
Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng CSCÐ, Bộ Tư lệnh CSCÐ vinh dự được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
|
Ðại tướng, GS. TS. TÔ LÂM
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an