“CÁN BỘ BÁO CHÍ CŨNG LÀ CHIẾN SỸ CÁCH MẠNG”
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng là vũ khí đấu tranh nên phải mang tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng nhằm tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, đưa họ đến mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc. Chính vì vậy, người hoạt động báo chí cũng phải là một chiến sĩ cách mạng, “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”(1). Người căn dặn: “Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”(2).
Theo Hồ Chí Minh, nhiệm vụ báo chí cách mạng là phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù của dân tộc: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”(3). Một mặt, Người yêu cầu “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”(4). Mặt khác, Người đề nghị báo nên có mục “ý kiến bạn đọc”, coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Trong biểu dương, phải rút ra được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, phê bình phải cụ thể, rõ ràng. Phê bình và tự phê bình là biện pháp tăng cường tính chiến đấu, vì “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy” (5). Do đó, yêu cầu đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí phải luôn trau dồi cả kiến thức và kĩ năng, thực sự công tâm, khách quan, phải giữ được “bút sắc, lòng trong” để phụng sự có hiệu quả sự nghiệp cách mạng.
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết đã khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nêu rõ: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và thể chế hóa chủ trương, định hướng, xác định hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, nhấn mạnh và chỉ rõ trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam, với chức năng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, luôn đồng hành, gắn bó với sự nghiệp của Đảng, đất nước và dân tộc; chính là phương tiện quan trọng tuyên truyền xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thời gian qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của Đảng, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; coi trọng phát triển toàn diện báo chí, coi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí. Điều 4, Luật Báo chí năm 2016 đã quy định rất rõ về vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm cơ sở pháp lý để báo chí tham gia ngày càng tích cực, sôi nổi và hiệu quả vào đời sống chính trị - xã hội của đất nước.
Báo chí đang thực hiện tốt trách nhiệm phản ánh các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt đạt hiệu quả trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; kịp thời đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng, lãng phí; đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những âm mưu, thủ đoạn và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch...
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò cả báo chí trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng, báo chí cần phản bác kịp thời những luận điệu xuyên tạc, sai trái trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tư tưởng văn hóa để bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, bảo vệ hững thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước mà nhân dân ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng là bảo vệ và khẳng định bản chất và những giá trị tốt đẹp của chế độ ta. Để làm được điều đó, cần tập trung nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trong toàn xã hội mà trước hết và trực tiếp là trong chính đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cần xác định công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trên mặt trận truyền thông hiện nay. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí – truyền thông phải xác định các nội dung trọng tâm cần phản ánh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để giữ vững tính đảng và tính chiến đấu của báo chí cách mạng Việt Nam bao gồm: việc vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và kiên định, vững vàng với những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thành tựu của đất nước trong hơn 35 năm đổi mới; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyên truyền, lan tỏa những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Quá trình này một lần nữa làm sinh động, lan tỏa các giá trị sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng của Người về báo chí cách mạng và vai trò của báo chí cách mạng nước ta.
TS. Phạm Thị Hoa, ThS. Vương Đoàn Đức,
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
____________________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 13, tr. 466.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr.166, 166
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 14, tr. 540
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 7, tr. 405.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 13, tr. 464.