Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 25/5/2017 10:12'(GMT+7)

Phát triển bền vững: Cần thay đổi cách tiếp cận trong nội tại doanh nghiệp

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Sau hơn 20 năm (1994 - 2017) thực hiện Định hướng Chiến lược phát triển bền vững, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Những thành tựu về kinh tế đạt được đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển bền vững các lĩnh vực khác. Trong đó, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam không ngừng tăng và được xếp vào nhóm có tốc độ tăng cao trên thế giới; công tác bảo vệ môi trường được quan tâm. Tới nay, Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các nhóm Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc đặt ra đối với các nước đang phát triển.

Vẫn còn những hạn chế

Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Thực tế, trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn còn thấp. Xét cả ba khía cạnh liên quan đến phát triển bền vững gồm kinh tế, xã hội và môi trường, vẫn còn những vấn đề hạn chế cần phải quyết liệt xử lý.

Thứ nhất, hiệu quả và sức cạnh tranh của quốc gia của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp; tăng trưởng kinh tế vài năm lại đây đã chững lại, các thành phần kinh tế chưa phát huy hết năng lực. Nguyên nhân của thực trạng này ngoài yếu tố khách quan mang tính vĩ mô, còn có nguyên nhân chủ quan trong nội tại từng doanh nghiệp (lực lượng sản xuất hàng đầu của quốc gia). Trong đó, mức tiêu hao năng lượng, vật tư trên mỗi đơn vị sản phẩm sản xuất ra còn cao, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, năng suất lao động xã hội thấp hơn nhiều so với các nước xung quanh. Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn chưa có khả năng cạnh tranh bền vững, thiếu đầu tư lâu dài, thiếu căn cơ cho vùng nguyên liệu, cho hệ thống bảo vệ môi trường, cho việc cải tiến phương thức quản lý, sản xuất để giảm giá thành sản phẩm.

Thứ hai, mặc dù Việt Nam được xếp vào nhóm có tốc độ tăng chỉ số HDI cao. Song chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đào tạo chưa chuyển mạnh theo nhu cầu xã hội. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học còn lạc hậu, chậm đổi mới; cơ cấu đào tạo không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề. Công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều bất cập; sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo còn hạn chế.

Tình trạng thiếu việc làm còn diễn ra nhiều; chính sách tiền lương, thu nhập chưa động viên được người lao động tận tâm với công việc. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo cao. Khoảng cách chênh lệnh giàu - nghèo trong xã hội có xu hướng ngày càng tăng.

Chất lượng chăm sóc sức khỏe còn thấp, hệ thống y tế và chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Các doanh nghiệp kinh doanh y tế chủ yếu mới chỉ phục vụ bộ phận dân cư có thu nhập cao. Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hiện tượng kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan.

Thứ ba, ô nhiễm nguồn nước, đất, ô nhiễm không khí còn nghiêm trọng ở một số nơi. Chúng ta chưa huy động được nhiều nguồn lực để bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường sống của nhân dân. Tình trạng phá rừng tại một số địa phương chưa được cải thiện. Chưa có những giải pháp thực thi để đối phó với biến đổi khí hậu. Chính quyền địa phương và người dân, trong đó có các doanh nghiệp, chưa nhận thức đầy đủ về các tác động của biến đổi khí hậu và chưa có những biện pháp ứng phó phù hợp, chưa thực sự đầu tư thông minh cho biến đổi khí hậu.

Cần thay đổi cách tiếp cận

Để giải quyết căn bản và toàn diện những vấn đề nêu trên, Chiến lược Phát triển kinh tế, xã hội 2011 - 2020 xác định ba khâu đột phá là: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại; (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao; (3) Phát triển kết cấu hạ tầng.

Để thực hiện có hiệu quả những đột phá trên, cần tiếp tục đẩy mạnh những giải pháp thay đổi cách tiếp cận từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn các ưu tiên cho đến phương thức huy động nguồn lực cũng như phương thức triển khai các hoạt động đầu tư và các dự án. Sự thay đổi đó không chỉ đối với các cơ quan quản lý, mà phải diễn ra ngay trong nội tại mỗi thực thể của nền kinh tế, đi đầu là các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần phải nhận thức đầy đủ những cơ hội cũng như thách thức do xu thế phát triển bền vững mang lại, phải tạo ra được chuỗi giá trị không chỉ cho chính mình mà còn cho cộng đồng và cho đất nước. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải thực sự tôn trọng, thấu hiểu nhu cầu của xã hội, không vì lợi nhuận trước mắt hy sinh lợi ích dài hạn.

Các doanh nghiệp tư nhân cần tham gia nhiều hơn nữa vào những lĩnh vực đột phá như giáo dục và y tế, góp phần phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là khâu đột phá cực kỳ quan trọng để làm tăng sức cạnh tranh của quốc gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp, có ảnh hưởng quyết định đến việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển bền vững. Cần gắn liền việc phát triển nguồn nhân lực với việc phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ để khơi thông tiềm tăng trí tuệ của người lao động và ngược lại, để tiềm năng đó trở thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học, công nghệ.

Doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng cách kết hợp và cân bằng giữa lợi nhuận và phi lợi nhuận, phát huy tốt những tiềm năng nội tại, đồng thời khai thác những tiềm năng chưa được nhìn nhận đầy đủ trong cộng đồng, xây dựng và phát triển các mô hình kinh doanh mới như doanh nghiệp xã hội, kinh doanh cùng người nghèo. Làm được điều đó, doanh nghiệp không chỉ mở ra được hướng đi mới cho mình, mà đồng thời còn góp phần giải phóng sức lao động cho xã hội và giải quyết các vấn đề thiết thực của cộng đồng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, Chính phủ đã và sẽ không ngừng khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững bằng cách hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, và thuận lợi.../.

Lan Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất