Phát biểu tại Hội thảo, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách
thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những trụ cột ưu
tiên và xuyên suốt của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương
thời gian qua cũng như của Năm APEC 2017 là tập trung thúc đẩy liên
kết, hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn, tạo đà, động lực cho các nền
kinh tế thành viên hội nhập sâu sắc hơn vào các chuỗi: cung ứng, sản
xuất, giá trị khu vực và toàn cầu, tăng cường tính kết nối giữa các thể
chế kinh tế khu vực cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ
trợ cho phát triển kinh tế của từng thành viên.
Ông Lương Hoàng
Thái cho rằng, với 21 nền kinh tế thành viên hai bên bờ Thái Bình Dương
cùng sự đa dạng về trình độ phát triển kinh tế và văn hóa, những năm
qua, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương đã thành công
trong việc thiết lập một diễn đàn hợp tác để các nền kinh tế thành viên
phối hợp xây dựng năng lực, hợp tác cùng tận dụng các cơ hội, lợi ích
của tiến trình toàn cầu hóa nhằm tạo đà cho sự phát triển của mỗi thành
viên cũng như sự thịnh vượng, ổn định chung của toàn khu vực.
Các
hoạt động của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương ngày
càng đi vào cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên như:
Thiết lập chuỗi cung ứng tin cậy (cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng
thêm 10% vào năm 2015), tạo điều kiện cho doanh nghiệp, bao gồm các
doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tham gia tích cực vào chuỗi
cung ứng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các nền kinh tế thành
viên; các hoạt động xây dựng năng lực, chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ
tốt giữa các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-
Thái Bình Dương...
Cũng theo ông Lương Hoàng Thái, trong xu thế
của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế khu vực, mỗi nền kinh tế thành viên
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương ngày càng nhận thức
được tầm quan trọng của việc trở thành một mắt xích cơ bản trong chuỗi
cung ứng, sản xuất và giá trị toàn cầu.
Trong chuỗi sản xuất
toàn cầu, với trình độ phát triển và lợi thế khác nhau, mỗi nền kinh tế
đều nỗ lực hết mình để tối ưu hóa các nguồn lực, xác định và định vị
mình trong sân chơi chung rộng lớn này. Trên thực tế, mỗi nền kinh tế
với quy mô, trình độ phát triển khác nhau có thể định nghĩa ngành công
nghiệp hỗ trợ khác nhau để phù hợp với điều kiện phát triển cụ thể.
Phát
triển một cách bền vững và mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ không những
tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mà còn góp phần
củng cố nội lực của một nền kinh tế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt thu
hút vốn đầu tư nước ngoài, là một trong những lựa chọn chiến lược của
nhiều nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình
Dương, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, với nhu cầu sản xuất
ngày càng gia tăng.
Hội thảo hướng tới mục tiêu: Nâng cao năng
lực của các nền kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương
trong thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó tạo thuận lợi cho thương
mại và đầu tư trong khu vực và thúc đẩy sự tham gia của các doanh
nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (MSMEs) vào Chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs);
Tạo cơ hội kết nối cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và
các bên liên quan nhằm xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ cạnh tranh và
hiện đại; Góp phần xây dựng "Hướng dẫn chính sách, Bộ thông lệ tốt" bao
gồm các chính sách về ngành, về nghiên cứu và phát triển (R&D) và
phát triển nguồn nhân lực...
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan
trọng của công nghiệp hỗ trợ đối với phát triển kinh tế, năm 2016, Diễn
đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương đã thông qua sáng kiến về
“Thúc đẩy Công nghiệp hỗ trợ APEC” do Nhật Bản và Việt Nam đồng chủ trì.
Kế hoạch triển khai sáng kiến sẽ thông qua hai giai đoạn cụ
thể: Giai đoạn 1, Ban Nghiên cứu hỗ trợ chính sách APEC (PSU) đã thực
hiện ba Nghiên cứu điển hình về Công nghiệp hỗ trợ tại ba nền kinh tế
thành viên APEC là Australia, Mexico và Việt Nam nhằm phân tích, đánh
giá chính sách và kinh nghiệm trong việc năng cao năng lực cạnh tranh và
hiện đại hóa ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực Diễn đàn hợp tác kinh tế
châu Á-Thái Bình Dương.
Giai đoạn 2, Việt Nam sẽ phối hợp với
Nhật Bản và Ban Nghiên cứu hỗ trợ chính sách xây dựng Bộ hướng dẫn chính
sách, Bộ thông lệ tốt về Công nghiệp hỗ trợ APEC nhằm mục tiêu cải
thiện chất lượng chính sách và thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ khu
vực.
Dự kiến Hướng dẫn chính sách, Bộ thông lệ tốt sẽ được trình
lên các Bộ trưởng thông qua tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao -
Kinh tế lần thứ 29 (AMM 29), tháng 11/2017 tại Đà Nẵng và là một trong
những kết quả quan trọng của hợp tác APEC năm 2017.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)