Sáng 25/9, tiếp tục Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc xây dựng dự án Luật nhằm
thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng,
Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc
sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm
chất lượng giáo dục”.
Bên cạnh đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện
nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là
xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng;
tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để
nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề;
góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.
Dự án Luật gồm 9 chương, 71
điều; cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính
phủ thông qua, bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà
giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi
dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, đại
diện cơ quan thẩm tra, cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành sự
cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Về cơ bản, hồ sơ dự án Luật được
chuẩn bị công phu, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật, đáp ứng điều kiện trình Quốc hội xem xét.
Về một số chính sách trọng tâm, Thường trực Ủy ban đồng tình với việc
cần trao quyền thực chất cho nhà giáo, nhưng đề nghị cơ quan chủ trì
soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định quyền nhà giáo chính xác, phù
hợp; quy định quyền nhà giáo đặt trong tương quan với quyền của viên
chức để không ảnh hưởng tới quyền lợi nhà giáo công lập.
Về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo (từ Điều 20 đến Điều 43),
Thường trực Ủy ban cho rằng, việc giao thẩm quyền tuyển dụng giáo viên,
giảng viên cho cơ sở giáo dục nhằm tăng quyền chủ động cho ngành giáo
dục. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định này đối
với một số loại hình cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có quy mô nhỏ.
Việc thay đổi thẩm quyền, phương thức tuyển dụng nhà giáo so với quy
định của Luật Viên chức sẽ khó điều động, bổ nhiệm nhà giáo sang các
chức danh nghề nghiệp khác.
Về chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo (các Điều 44, 45, 46),
Thường trực Ủy ban đồng tình cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo
nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi
vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù
hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương; tránh cách hiểu sẽ có
một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo.
Thường trực Ủy ban cho rằng cần có chính sách
hỗ trợ và chính sách thu hút nhà giáo, tuy nhiên, cần đánh giá tác động,
xác định đối tượng nhà giáo được thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm thực hiện
chính sách. Có ý kiến đề nghị cần rà soát các chính sách hỗ trợ, thu
hút để tránh trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng; bổ sung chính sách thu hút
người có học lực xuất sắc vào học ngành sư phạm, giữ sinh viên xuất sắc
ở lại trường làm giảng viên đại học.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự
nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã có
sự phối hợp rất chặt chẽ, nghiên cứu nghiêm túc, xây dựng hồ sơ dự án
Luật về mặt hình thức khá đầy đủ, bảo đảm đúng quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương; đề nghị cơ quan chủ
trì soạn thảo báo cáo của Chính phủ tập trung cao, tiếp thu tối đa ý
kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban
Văn hóa, Giáo dục; tiếp tục xin ý kiến chuyên gia, nhà quản lý để hoàn
thiện dự thảo Luật trên tinh thần thận trọng, nhất quán, đột phá, thiết
thực, hiệu quả và phải giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc ban hành Luật Nhà giáo
cần làm rõ đặc thù chính sách dành cho nhà giáo; có phân biệt giữa nhà
giáo và nhà quản lý giáo dục hay không. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ
quan soạn thảo lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của
cơ quan quản lý nhà nước, chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã rõ, được
thực tiễn kiểm nghiệm. Việc xây dựng dự án luật phải bảo đảm thận
trọng, nhất quán, bảo đảm chất lượng, đột phá về chính sách, nhưng không
phá vỡ cấu trúc của hệ thống pháp luật hiện hành./.
TTXVN