Thứ Năm, 19/9/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Ba, 24/7/2018 8:13'(GMT+7)

Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, kiểm soát phương tiện cá nhân

Một nhánh hầm chui nút giao thông An Sương (quận 12) đưa vào sử dụng góp phần điều tiết giao thông đi lại ổn định, hạn chế ùn tắc ở khu vực ngã tư An Sương.

Một nhánh hầm chui nút giao thông An Sương (quận 12) đưa vào sử dụng góp phần điều tiết giao thông đi lại ổn định, hạn chế ùn tắc ở khu vực ngã tư An Sương.

Một trong những công trình giao thông trọng điểm ghi nhận sự quyết liệt của ngành giao thông vận tải (GTVT) thành phố nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông và xóa điểm đen tai nạn giao thông nhiều năm liền ở cửa ngõ phía đông là công trình nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2). Sau gần hai năm thi công, dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 1, có tổng mức đầu tư 838 tỷ đồng (gồm các hạng mục xây dựng cầu Kỳ Hà 3, cầu vượt trên đường vành đai 2, hầm chui rẽ trái từ vành đai 2 đi Cát Lái, các nhánh đường bờ tả và bờ hữu rạch Mỹ Thủy) đã đưa vào sử dụng lần lượt các hạng mục từ tháng 1-2018 đến nay. Theo ghi nhận của giới lái xe thường xuyên lưu thông trên tuyến, hiệu quả rõ nhất của công trình là đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn ứ phương tiện, nhất là xe công-ten-nơ từ các trục đường chính ra vào cảng Cát Lái, giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều. Lãnh đạo Sở GTVT thành phố đánh giá, nút giao thông Mỹ Thủy được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông trong nhiều năm qua, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, Sở GTVT sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2, thực hiện trong hai năm 2018 - 2020 (bao gồm các hạng mục cầu vượt trên đường vành đai 2, cầu Mỹ Thủy 3, cầu Kỳ Hà 4…) nhằm hoàn tất toàn bộ dự án và phát huy cao nhất hiệu quả chống ùn tắc giao thông khu vực phía đông như mục tiêu thành phố đề ra.

Là đường “độc đạo” lưu thông của hàng nghìn phương tiện mỗi ngày, nhất là lượng khách du lịch di chuyển rất lớn từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố cho nên khu vực đường Trường Sơn, Hoàng Văn Thụ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… thường xuyên bị ùn ứ, ách tắc triền miên khiến người dân mệt mỏi khi tham gia giao thông. Tình trạng này đã được giải quyết cơ bản khi cầu vượt nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Vành đai ngoài (quận Tân Bình) đi vào hoạt động tháng 7-2017, giảm bớt ùn tắc giao thông ở khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng với cầu vượt nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Vành đai ngoài, thành phố đã đưa công trình cầu vượt ở vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (Phú Nhuận - Gò Vấp) vào hoạt động, giúp giải tỏa ùn tắc thường xuyên ở khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám. Đây là hai công trình được bố trí vốn theo lệnh khẩn cấp từ nguồn vốn ngân sách của thành phố, được thi công ngày đêm để sớm đưa vào sử dụng.

Đánh giá giữa nhiệm kỳ chương trình giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, một trong bảy chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết: Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã đưa vào sử dụng hàng loạt công trình giao thông quan trọng như cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía đông; đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; nâng cấp, mở rộng đường Trần Não (quận 2); đường vào cảng Phú Hữu; cầu vượt ngã tư Gò Mây, cầu vượt ngã sáu Gò Vấp (nhánh 1), một nhánh hầm chui nút giao thông An Sương, đường chui dưới dạ cầu Bình Triệu, xây dựng nút giao thông chính Đại học Quốc gia… Các công trình đã góp phần vào con số đạt hơn 66 km đường làm mới (đạt 24,38% chỉ tiêu kế hoạch), 12 cây cầu mới (đạt 15,79%) trên địa bàn… Tuy nhiên, một trong những lực cản khiến chương trình giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông khó “chạm đích” là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã trở nên quá tải so với lượng phương tiện, trong khi việc triển khai các dự án đường vành đai, đường kết nối các cảng, sân bay, tuyến đường khu vực cửa ngõ còn chậm. Thành phố đang quản lý hơn 8,3 triệu phương tiện hai bánh, gồm 695.872 xe gắn máy và hơn 7,6 triệu xe mô-tô. Với số dân thành phố gần 8,7 triệu người, chưa kể lượng khách vãng lai thì trung bình mỗi người dân đang sở hữu một đầu phương tiện và số phương tiện có xu hướng tăng dần qua từng năm theo quá trình tăng dân số cơ học. Đây chính là nguyên nhân khiến việc đầu tư hạ tầng giao thông ở thành phố luôn đi sau và chậm hơn so với sự gia tăng dân số “nóng” như hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ: Chính quyền thành phố xác định một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc là kiểm soát lưu thông đối với phương tiện giao thông cá nhân kết hợp tăng cường đầu tư cho hoạt động của vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Trong đó, với hoạt động của VTHKCC, thành phố sẽ tập trung ưu tiên phát triển VTHKCC bằng xe buýt, VTHKCC khối lượng lớn (Metro, xe buýt nhanh BRT) hay bán công cộng (xe điện, xe đạp công cộng, ta- xi…). Để làm được điều này, thành phố sẽ đầu tư hạ tầng đô thị phát triển tương ứng, trợ giá cho VTHKCC với mạng lưới phủ khắp, phương tiện hiện đại, hành khách dễ dàng tiếp cận… Theo thống kê, hiện thành phố có 144 tuyến xe buýt với gần 2.800 đầu phương tiện, mới đáp ứng được 9,5% nhu cầu đi lại của người dân. Đối với việc kiểm soát lưu thông phương tiện cá nhân, thành phố sẽ kết hợp giữa giải pháp kinh tế và hành chính như thu phí phương tiện vào giờ cao điểm, thực hiện có lộ trình việc hạn chế xe máy từng khu vực khi giao thông công cộng đáp ứng các điều kiện cụ thể. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải đường thủy nội địa, giảm áp lực giao thông đường bộ; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông vận tải; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông…/.

Theo nhandan.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất