PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét: Chiến lược
biển Việt Nam đề cập đến một vấn đề vừa rộng lớn về quy mô, vừa phức tạp
về các mối quan hệ phát triển (kinh tế, quản lý, an ninh, quốc phòng,
khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường…). Vừa đòi hỏi tính bao
quát toàn diện và một tầm nhìn dài hạn, cũng như các giải pháp mang tính
đột phá, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ
biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển,
đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
làm cho đất nước giàu mạnh.
Rất đông du khách đến nghỉ dưỡng và tắm biển Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Viết Ý/TTXVN
|
Kỳ
họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường
biển và hải đảo. Đây là cơ sở pháp lý đặc biệt cần thiết để phát huy mọi
tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu
phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả
cao với tầm nhìn dài hạn hơn nữa.
Biển, đảo là điều kiện đặc
biệt cần thiết để Việt Nam phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như
thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch... Trong đó,
dải bờ biển đã tạo ra tiềm năng to lớn cho ngành giao thông hàng hải.
Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Bờ biển nước ta có
10 điểm có thể xây dựng cảng biển nước sâu và nhiều điểm cảng trung bình
với tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 50 triệu tấn/năm. Về nguồn
lợi hải sản, tính đa dạng sinh học, vùng biển nước ta đã phát hiện được
11.000 loài sinh vật cư trú, trữ lượng cá biển ước tính trong khoảng 3,1
- 4,1 triệu tấn, khả năng khai thác 1,4 - 1,6 triệu tấn.
Dầu
khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa nước ta có tầm chiến lược quan
trọng. Đến nay đã xác định được nhiều bể trầm tích như các bể Cửu Long,
Nam Côn Sơn... được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất và khai
thác thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất của toàn thềm lục địa
Việt Nam xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác 4 - 5 tỷ tấn.
Trữ lượng khí dự báo khoảng 1.000 tỷ m3.
Dọc theo bờ biển có
125 bãi biển lớn, nhỏ nông thoải, nước trong và sạch, nắng ấm quanh năm,
không khí trong lành với cảnh quan đẹp... là điều kiện lý tưởng để xây
dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp. Ngành du lịch biển
nước ta hàng năm thu hút khoảng 15 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu
khách quốc tế, đạt tốc độ tăng bình quân 13%/năm. Tiềm năng du lịch kể
trên rất phù hợp để Việt Nam phát triển và đa dạng các loại hình du lịch
hiện đại như nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, tắm biển, du lịch sinh thái, nghiên
cứu khoa học vùng ven bờ, hải đảo, ngầm dưới nước. Riêng du lịch thể
thao bơi, lặn sâu, lướt ván, nhảy sóng, đua thuyền có thể tổ chức các
giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế quanh năm. Chưa kể dịch vụ hội
nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.
Vùng ven biển còn chứa
đựng tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như titan, zircon, thiếc, vàng,
sắt, mangan, thạch cao, đất hiếm..., trong đó cát nặng, cát đen là
nguồn tài nguyên quý giá, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, sa
khoáng titan, sa khoáng ilmenit, sa khoáng cát đen.
Tuy vậy, do
đặc điểm là vùng nhiệt đới gió mùa, nên một số vùng biển nước ta thường
xảy ra thiên tai với cường độ lớn và tần suất cao, làm ảnh hưởng đến sản
xuất và đời sống của nhân dân vùng ven biển, cũng như trong việc khai
thác tiềm năng kinh tế biển. Bên cạnh đó, quy mô phát triển kinh tế biển
còn manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu ngành, nghề chưa
hợp lý, mới chỉ phát triển trên một diện hẹp; chưa hội tụ đủ các điều
kiện cần thiết để vươn ra vùng biển quốc tế.
Trong khai thác,
đánh bắt, chế biến nguồn lợi kinh tế biển vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ.
Hệ thống hạ tầng còn thiếu thốn, yếu kém, chưa đồng bộ; đang thiếu những
cảng biển lớn với dịch vụ hậu cần quy mô, hệ thống những cơ sở nghiên
cứu khoa học công nghệ biển, các cơ sở dự báo thiên tai từ biển đang bộc
lộ những yếu kém, bất cập…
Đặc biệt, công tác hợp tác quốc tế
về biển còn nhiều hạn chế, trong khi tranh chấp giữa các nước liên quan
đến Biển Đông sẽ còn diễn ra phức tạp và khó lường. Là một quốc gia có
biển, đảo, Việt Nam cũng không nằm ngoài nguy cơ này, nên việc cụ thể
hóa Chiến lược khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi
trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là vấn đề cấp bách hiện
nay.
Văn Hào/Báo Tin tức