THÚC ĐẨY NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CNC
Ngành nông nghiệp nước ta hiện nay đang thực hiện kế hoạch cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp CNC, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. CNC, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC.
Việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện, nhất là từ sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành vào cuộc hỗ trợ phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi. Ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đã được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với các sản phẩm rau quả, tôm, bò sữa, lợn, gà, lúa tại các tỉnh An Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kiên Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An…
Ứng dụng CNC trong nông nghiệp không chỉ là đưa máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại vào sản xuất mà còn là công nghệ trong quản lý và vận hành nền sản xuất nông nghiệp bền vững với môi trường.
|
Chính phủ cũng đặc biệt coi trọng và tạo điều kiện, cơ chế để phát triển các khu, vùng và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC. Những năm gần đây, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC đã thu hút nhiều tập đoàn, công ty đầu tư vào nông nghiệp CNC như Vingroup, NutiFood, Dalat Hasfarm… Đã có 44 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC trong nhiều lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản. Thông qua việc thực hiện các dự án và sự hỗ trợ một phần kinh phí của nhà nước, các doanh nghiệp đã chủ động huy động nguồn vốn của doanh nghiệp để ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong từng khâu của quá trình sản xuất. Cụ thể là, từ việc áp dụng giống mới, quy trình canh tác tiên tiến, chủ động nhập khẩu công nghệ trong chế biến bảo quản nông sản, hình thành chuỗi liên kết với hộ nông dân để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Nhiều dự án đã tạo sự lan toả trong tỉnh, thành phố và trong vùng lân cận. Các ứng dụng khoa học và công nghệ được tận dụng linh hoạt, năng động trong nông nghiệp và tạo những chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, việc công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đã được giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương xác định theo lợi thế và chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp của tỉnh.
Thủ tướng đã quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có 11 khu nông nghiệp ứng dụng CNC. Đến nay, đã có 3 khu được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và đi vào hoạt động. Trong đó, khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu đã thể hiện được vai trò hạt nhân thúc đẩy sản xuất nông nghiệp CNC. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện hồ sơ Đề án khu nông nghiệp ứng dụng CNC cho Lâm Đồng (đã thẩm định), Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Cần Thơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập, tạo ra những hạt nhân thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC ở vùng sinh thái khác nhau. Ngoài ra, các địa phương như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa (thuộc quy hoạch tổng thể) đã rất năng động với một số mô hình trong khu nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động khá hiệu quả.
Ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà kính. Đối với cây rau, doanh thu đạt từ 2,5 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 1,6 đến 4,9 tỷ đồng/ha. Đối với cây hoa, doanh thu đạt từ 0,5 tỷ đồng đến 9,9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 0,3 đến 5,4 tỷ đồng/ha. Việc nuôi tôm thẻ chân trắng đã được nâng cao năng suất chất lượng tôm; năng suất đạt 40 tấn/ha gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35% so với quy trình cũ. Sản xuất bò sữa, năng suất đạt trên 30 lít sữa/bò/ngày với chất lượng tốt...
NÔNG NGHIỆP CNC GẮN VỚI BỀN VỮNG VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế về ứng dụng CNC trong nông nghiệp. Đó là, ứng dụng CNC trong nông nghiệp chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm có thế mạnh, một số doanh nghiệp lớn. Năng suất lao động còn thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân chưa đạt so với mục tiêu tái cơ cấu ngành đã đề ra.
Trong chuỗi sản xuất khép kín, mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp đóng vai trò then chốt, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm, vừa cung cấp đầu vào, hướng dẫn người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường; vừa đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay một số chuỗi giá trị còn chưa bền vững do doanh nghiệp và người nông dân không thực hiện theo hợp đồng đã ký kết khi có rủi ro về thị trường hoặc giá cả biến động.
Sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn bị tác động mạnh, thách thức của điều kiện ngoại cảnh như biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ (thị trường trong và ngoài nước còn chưa thực sự chủ động). Các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông sản theo chuỗi còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều. Đóng góp của khoa học và đổi mới công nghệ trong tăng trưởng nông nghiệp còn hạn chế; công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chưa thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới; tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản trị... Đây cũng là cơ hội cần tận dụng để đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp Việt Nam với ba trụ cột chính: Một là, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là CNC, công nghệ 4.0 vào sản xuất quy mô hàng hóa; hai là, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết lấy doanh nghiệp là hạt nhân liên kết tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng CNC trong sản xuất và quản trị, truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn với thương hiệu, phát triển thị trường và bền vững với môi trường; ba là, cải cách thể chế thực chất, nghiêm túc, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh để doanh nghiệp, nhà sản xuất trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam thông minh và bền vững.
|
Để phát triển nông nghiệp CNC bền vững, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, đồng thời đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp CNC gắn với bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.
Về cơ chế chính sách hỗ trợ chung, cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC; khuyến khích các hình thức liên kết hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến sâu, xây dựng quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp.
Cần tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ; rà soát hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư, nông sản. Tiếp tục thực thi chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh, tham gia triển lãm hội chợ trong nước, ngoài nước. Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp và đóng vai trò chủ thể trong mối liên kết sản xuất sản phẩm nông sản theo chuỗi, đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn; đào tạo lực lượng nông dân chuyên nghiệp, đủ điều kiện quản lý những trang trại quy mô lớn, có thể áp dụng CNC.
Về thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng CNC, khuyến khích các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu, phát triển công nghiệp phụ trợ. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu và chuyển giao CNC trong nông nghiệp. Huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách hỗ trợ thực hiện các Chương trình, Đề án, nhiệm vụ khoa học công nghệ về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp bền vững nhằm ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu. Các tổ chức khoa học công nghệ cần quyết liệt đổi mới trong triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kết quả KHCN vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân về ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, trang trại tư nhân, hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, cần liên kết chặt chẽ để đảm bảo sản xuất gắn với thị trường; phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.
Cần tăng cường thông tin tuyên truyền các chủ trương chính sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến các tổ chức và cá nhân trong xã hội để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; nâng cao nhận thức của xã hội, các ngành, các cấp về vai trò của phát triển nông nghiệp CNC. Chú trọng việc tổng kết và nhân rộng các điển hình kinh tế hợp tác, trên cơ sở đó khuyến khích mọi thành phần, mọi lực lượng xã hội tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp CNC.
Chính sách phát triển nông nghiệp CNC tại các địa phương phải thể hiện được những nội dung của chính sách xã hội, từ việc thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp CNC phải gắn kết với nâng cao mức sống chung và xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho nông dân làm giàu; có các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho các hộ nghèo tại địa phương được hưởng thụ có hiệu quả từ nông nghiệp CNC, phát huy tinh thần phát triển nông nghiệp CNC để thoát nghèo và làm giàu. Địa phương chủ động cân đối ngân sách địa phương cũng như huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, giảm thiểu sự phụ thuộc vào ngân sách Trung ương./.
Lợi ích từ việc phát triển nông nghiệp CNC
- Làm tăng sản lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó đáp ứng được nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của xã hội, trong đó có cả những người thu nhập thấp, nhờ tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn với giá bán rẻ hơn.
- Tạo số lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao, đồng đều; do đó, có thể tham gia chuỗi giá trị và thương mại toàn cầu nhờ đáp ứng được yêu cầu về nguồn cung ứng cũng như chất lượng sản phẩm theo tiêu chí của thị trường và có thể truy xuất được nguồn gốc.
- Mang lại thu nhập lớn cho doanh nghiệp nhờ tạo ra được năng suất sản phẩm lớn nhất trên mỗi đơn vị tài nguyên sử dụng với giá thành thấp nhất nhờ quy mô sản xuất lớn và áp dụng các công nghệ sản xuất có hiệu quả cao.
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương và quốc gia khi doanh thu từ sản xuất tăng lên, đóng thuế từ doanh nghiệp tăng và đồng thời hình thành mới các dịch vụ hỗ trợ.
- Tạo thêm công ăn việc làm cho một số bộ phận dân cư và cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp địa phương trên cơ sở hình thành các thị trường sản phẩm có giá trị gia tăng mới.
- Tạo giá trị gia tăng cho một số sản phẩm địa phương (kể cả phụ phẩm nông nghiệp), hình thành các sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực của quốc gia, vùng và địa phương (mỗi làng một sản phẩm).
|
TS. Nguyễn Xuân Cường
Ủy viên Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn