Chính phủ đặt mục tiêu, năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước chiếm khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg (ngày 31/7/2023) phê duyệt Chiến lược Quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số...
Qua đó, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Mục tiêu cụ thể đến hết tháng 6 năm 2024, đạt 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược quốc gia và yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế.
Năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% tổng số tuyển dụng mới.
Mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm.
Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 5 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học-công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.
Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược là khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài.
Việc tìm kiếm nhân tài nhằm phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và nhân dân; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, của địa phương hoặc đất nước được tiến hành trong các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và tập trung vào bốn nhóm.
Cụ thể là học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo; những người có học vị, học hàm thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ; những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước.
Khuyến khích, đề cao trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử nhân tài; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong giới thiệu, tiến cử, công nhận nhân tài.
Phát huy vai trò và trách nhiệm phát hiện, giới thiệu, tiến cử nhân tài của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực phối hợp với các cơ sở giáo dục-đào tạo để sớm phát hiện tài năng trẻ là học sinh, sinh viên.
Nhiệm vụ và giải pháp khác của Chiến lược là nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.
Cụ thể, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài.
Nâng cao năng lực bồi dưỡng nhân tài của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Phát triển mạnh một vài đại học điểm của Việt Nam thành trường hàng đầu khu vực. Tập hợp, phát triển đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là các chuyên gia, nhà giáo dục, khoa học, lãnh đạo, quản lý, kinh doanh đầu ngành, có trình độ, kinh nghiệm, uy tín cao ở trong và ngoài nước; chú trọng mời đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành gốc Việt trở về làm việc, tham gia giảng dạy tại Việt Nam. Có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục ngoài công lập tham gia vào nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài có uy tín cao trên thế giới để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài theo nhu cầu và các chuẩn mực của khu vực, quốc tế.
Tạo điều kiện thuận lợi về các điều kiện học tập, nghiên cứu, môi trường cọ sát, thử thách, rèn luyện để các tài năng trẻ là học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc có cơ hội phát huy năng lực, sở trường.
Tăng cường năng lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học xã hội và các lĩnh vực trọng điểm khác thông qua đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
TTX