Ngày 1/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Vương Nghị đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Tại Phiên họp, hai bên đã
cùng điểm lại những tiến triển mới trong quan hệ song phương kể từ sau
Phiên họp lần thứ 14 (7/2022) đến nay, nhất trí cho rằng, quan hệ đối
tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua duy
trì đà phát triển tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên, nổi bật là chuyến
thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng tháng 10/2022 và các chuyến thăm và trao đổi cấp cao trong năm
2023 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương
Thị Mai... Giao lưu, hợp tác kênh Đảng, Quốc hội, Nhân đại, Mặt trận Tổ
quốc/Chính hiệp Trung Quốc và giữa các bộ, ngành, đoàn thể nhân dân, địa
phương hai nước không ngừng được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu; các lĩnh
vực hợp tác thực chất đạt được nhiều tiến triển đáng khích lệ, chất
lượng ngày càng được nâng cao.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam,
trong khi Việt Nam duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của
Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ 4 trên thế giới xét theo tiêu chí quốc
gia.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Đặc biệt, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy
sản lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng năm 2023; vốn đầu tư của Trung
Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng, hai bên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh
vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh; hoàn tất đàm phán nhiều văn
kiện hợp tác quan trọng, trong đó có Kế hoạch hợp tác thúc đẩy kết nối
giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với Sáng kiến "Vành đai và
Con đường".
Hai bên cũng thẳng thắn chỉ ra một số lĩnh vực hợp tác chưa tương
xứng với tiềm năng và kỳ vọng; tiến độ triển khai các dự án viện trợ
không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam; việc giải quyết các
vướng mắc, tồn đọng kéo dài tại một số dự án hợp tác công nghiệp.
Về phương hướng hợp tác thời gian tới, hai bên đi sâu trao đổi và xác
định một số trọng tâm công tác: Tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao
và các cấp; triển khai hiệu quả các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai
Đảng, Quốc hội và Nhân đại toàn quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính
hiệp Trung Quốc; phát huy vai trò quan trọng của hai Bộ Ngoại giao
trong việc điều phối, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác; triển khai tốt các
cơ chế giao lưu quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật.
Hai bên nhất trí tiếp tục áp dụng các biện pháp hiệu quả, thực chất
để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển bền vững,
lành mạnh; tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong các lĩnh
vực sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; phối hợp
tháo gỡ vướng mắc trong các dự án tồn đọng; đẩy nhanh tiến độ triển khai
các dự án viện trợ không hoàn lại tại Việt Nam.
Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học
công nghệ, môi trường, giao thông vận tải, nông nghiệp, y tế; mở rộng
hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân
dân; tăng cường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, hai bên phối hợp nâng cao hiệu
suất thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới
Việt - Trung; đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc cho một số
loại nông, thủy sản của Việt Nam; sớm hoàn tất thủ tục thành lập Văn
phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam; tạo điều
kiện thuận lợi cho Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến thương
mại, xúc tiến đầu tư và tham dự các hội chợ, triển lãm lớn tại Trung
Quốc.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị hai bên đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao
thông, nhất là đường sắt giữa hai bên; thúc đẩy hợp tác du lịch quay trở
lại mức như trước dịch COVID-19; tiếp tục ủng hộ, khuyến khích các địa
phương phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có,
nhất là các hình thức giao lưu, trao đổi trực tiếp giữa người đứng đầu
các địa phương.
Về biên giới trên đất liền, hai bên đánh giá tình hình tổng thể ổn
định; Phân ban hai bên trong Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền
phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý biên giới; kịp thời trao đổi
giải quyết các vấn đề phát sinh; công tác mở mới, nâng cấp cửa khẩu đạt
kết quả tích cực, góp phần củng cố đường biên giới đất liền, thúc đẩy
phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới hai nước.
Hai bên trao đổi ý kiến thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp
tục tuân thủ nhận thức chung cấp cao, trong đó có Thỏa thuận về những
nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung
Quốc; thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển đạt tiến triển thực chất.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, hai bên cần kiểm soát và xử
lý thỏa đáng bất đồng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng
của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp
quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm
phán, sớm đạt văn bản COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật
pháp quốc tế và UNCLOS 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển
Đông và trong khu vực./.
TTXVN