Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước cho biết, ASEAN là mái nhà chung của 10 thành viên với sự đa dạng về chế độ chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, trình độ phát triển nhưng gắn kết chặt chẽ với nhau vì một mục tiêu chung là thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững giữa các quốc gia thành viên; đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới.
Gần 60 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực hợp tác toàn diện, phát triển năng động và thành công, là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, chiếm khoảng 8,6% dân số; 3,4% GDP và 7,5% tổng giá trị thương mại toàn cầu.
Trong tiến trình đó, việc ra đời của Liên đoàn Cựu chiến binh các nước ASEAN (VECONAC) cách đây gần 44 năm là dấu mốc quan trọng nhằm tăng cường hợp tác giữa tổ chức cựu chiến binh các nước thành viên, phấn đấu vì lợi ích của các cựu chiến binh và gia đình của họ; đồng thời đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Trải qua hơn 4 thập kỷ phát triển, Liên đoàn Cựu chiến binh các nước ASEAN đã thể hiện tinh thần đoàn kết, có chung tiếng nói, thực hiện tốt Tuyên ngôn và Hiến chương đề ra, từng bước nâng cao vị thế của Liên đoàn trong khu vực, được Hiệp hội ASEAN công nhận là một tổ chức xã hội, nhân đạo trong cơ cấu tổ chức của ASEAN; được Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN quan tâm, ghi nhận.
Diễn đàn được tổ chức vào thời điểm khu vực ASEAN đang đứng trước những thời cơ lớn, đồng thời đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình quốc tế và khu vực. Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với các xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu... đang đặt ra những yêu cầu mới cho cộng đồng doanh nghiệp ASEAN.
Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao sự ra đời của Ủy ban Diễn đàn Doanh nghiệp VECONAC, không chỉ mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp, doanh nhân cựu chiến binh mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của khu vực.
Phó Chủ tịch nước khẳng
định, trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi
trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo thông thoáng và công bằng trong tiếp
cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp, trong đó có
doanh nghiệp do cựu chiến binh làm chủ phát triển bền vững, tích cực hội
nhập vào nền kinh tế quốc tế.
Hiệp
hội doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, sau hơn 10 năm thành lập, đã
phát triển được hơn 13.700 hội viên. Các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã
tạo việc làm cho khoảng 780.000 lao động (trong đó có hơn 316.000 cựu
chiến binh và con em cựu chiến binh, gia đình chính sách); chăm lo cho
gia đình cựu chiến binh gặp khó khăn; tích cực tham gia phòng, chống
dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần đảm bảo an sinh xã
hội...
Với quyết tâm và ý chí
kiên cường của những người lính năm xưa; tinh thần đồng đội, đoàn kết và
khởi nghiệp mạnh mẽ, tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình,
Phó Chủ tịch nước mong rằng, các doanh nghiệp cựu chiến binh sẽ đa dạng
hóa cách thức trao đổi, kết nối, hợp tác hiệu quả, phù hợp với mục tiêu,
chiến lược phát triển, tạo ra nhiều giá trị kinh tế - xã hội không chỉ
cho doanh nghiệp mà còn cho người dân và cộng đồng.
Phó
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận
lợi để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, doanh nhân cựu chiến
binh ASEAN, góp phần vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN
đoàn kết, tự cường và phát triển bền vững.