Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 15/1/2021 13:21'(GMT+7)

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 14/1, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao đầu tiên của năm 2021.

Thông báo hoạt động ngoại giao sắp tới, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Nhận lời mời của Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Dato Erywan Pehin Yusof, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra ngày 21/1/2021, theo hình thức trực tuyến."

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN là cuộc họp quan trọng đầu tiên cấp Bộ trưởng mở đầu cho Năm Chủ tịch ASEAN 2021 của Brunei với chủ đề "Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng.”

Tại Hội nghị lần này, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN sẽ trao đổi nhiều nội dung quan trọng, bao gồm: triển khai kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra tháng 11/2020 tại Hà Nội, thống nhất những trọng tâm và ưu tiên của ASEAN trong năm 2021, thảo luận các vấn đề liên quan đến quan hệ đối ngoại của ASEAN, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trước đó, chia sẻ với báo chí nhân buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao đầu tiên của năm 2021, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Chúng ta vừa trải qua một năm 2020 với những điều rất đặc biệt, chưa từng xảy ra, xử lý những việc chưa có tiền lệ. Bên cạnh những vấn đề về chính trị, xã hội, an ninh truyền thống, dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống trên toàn cầu, đến từng quốc gia, từng người dân.”

Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định trong bối cảnh đó, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, với quyết tâm, sự đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ về kiểm soát dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội và nhất là hoạt động đối ngoại.

Đó là, hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) và năm đầu tiên Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngoại giao song phương và đa phương tiếp tục được tăng cường, củng cố thông qua hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp. Cùng với đó là công tác hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế, góp phần vào nỗ lực chung của toàn cầu trong phòng, chống dịch COVID-19.

Việt Nam cùng các nước láng giềng duy trì đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đồng thời đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 trong giải quyết vấn đề trên biển.

Việt Nam cũng đẩy mạnh liên kết kinh tế quốc tế bằng việc thông qua hoặc bắt tay vào triển khai các Hiệp định thương mại thế hệ mới như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

“Chúng tôi cũng rất vui mừng khi Công viên Địa chất Đắk Nông đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Các thành phố: Vinh của tỉnh Nghệ An, Sa đéc của tỉnh Đồng Tháp được công nhận là thành phố học tập toàn cầu,” Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng chia sẻ.

Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, Việt Nam đã hỗ trợ công dân các nước trong điều trị và đưa họ trở về nước; đồng thời, thực hiện bảo hộ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài. Việt Nam đã tổ chức 299 chuyến bay, đưa hơn 80.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trở về nhà./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất