Sáng 16/10, làm việc với Ủy ban Dân tộc, Phó Thủ tướng
Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, đối với đồng bào vùng khó khăn,
miền núi, chủ trương xuyên suốt của Đảng là có sự quan tâm đặc biệt, đây
là trách nhiệm, là bổn phận, “chừng nào bà con còn khó khăn, còn nghèo,
còn bị lũ lụt, chúng ta còn quặn lòng”.
ĐỘT PHÁ VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ CON NGƯỜI
Ghi nhận Ủy ban Dân tộc đã báo cáo, cung cấp bức tranh đầy đủ về tình
hình và công việc của Ủy ban, theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa
Bình, các bộ, ngành đã phối hợp tốt với Ủy ban, thể hiện đầy đủ trách
nhiệm của Bộ, của lãnh đạo Bộ với chủ trương chung của Đảng về các
chương trình đối với vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Các chính
sách đặt ra, kiến nghị đang, đã làm mang lại hiệu ứng tốt cho đồng bào.
Mong muốn các sáng kiến, chính sách được thực hiện tốt, trở thành
hiện thực, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn với
Ủy ban Dân tộc và các địa phương trong thực hiện các chương trình liên
quan đến vùng đồng bào dân tộc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức
trách của mình, các bộ, ngành tăng cường đáp ứng yêu cầu của các địa
phương và của Ủy ban Dân tộc trong bố trí các nguồn lực, kinh phí.
Nhấn mạnh “Trong hoạch định chính sách, dự kiến của các đồng chí rất
nhiều, nhưng đặc biệt quan tâm đến vùng khó khăn này, đây là chủ trương
của Đảng. Làm phải rất khẩn trương, kịp thời, quá trình làm phải quán
triệt đặc điểm khu vực này; đưa ra những chính sách, quy định rườm rà
quá thì bằng đánh đố anh em ở dưới”, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình yêu
cầu các thủ tục hướng dẫn phải đơn giản nhất có thể, dễ vận dụng. Các
chương trình nghiên cứu khoa học không chỉ có công nghệ mà phải có cả
yếu tố xã hội.
Trong bố trí các nguồn lực tài chính, các dự án, Phó Thủ tướng yêu
cầu dành sự quan tâm thỏa đáng đối với các khu vực miền núi, theo đúng
tinh thần Thủ tướng chỉ đạo, bố trí tập trung, trọng điểm, tạo ra đột
phá, cú hích, có tác dụng thúc đẩy cả khu vực, cả vùng.
Chia sẻ hiện nay số lượng cán bộ người dân tộc ở cấp Trung ương giảm
dần qua các thời kỳ, từ nhiệm kỳ Đại hội XI là 11% và còn 6% ở nhiệm kỳ
Đại hội XIII, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn đội ngũ người dân tộc trong
hệ thống chính trị ngày càng đông, mạnh, ở vị trí ngày càng cao. Xây
dựng nguồn nhân lực là người dân tộc là điều phải quan tâm, xây dựng từ
cơ sở để đào tạo dần lên vị trí cao hơn.
Hoan nghênh những nỗ lực của Ủy ban Dân tộc trong công tác dân tộc,
Phó Thủ tướng nêu lên những điểm sáng như diện mạo các vùng dân tộc thay
đổi, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể, đời sống văn hóa
được bảo tồn, duy trì. Các chương trình, chính sách dành cho vùng miền
núi, dân tộc ngày càng nhiều và được thực hiện ngày một tốt hơn.
Song, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế như đường đến
thôn, vùng dân cư còn khó khăn. Phó Thủ tướng nêu yêu cầu đột phá về cơ
sở vật chất trong giai đoạn trung hạn đến năm 2030 là giải quyết điểm
nghẽn đối với 3 con đường: đường đến khu dân cư, đường điện, đường sóng;
cùng với đó là đột phá về con người.
Cho rằng, thể chế tạo ra hành lang pháp lý cho việc thực hiện các đề
án, dự án phát triển nguồn nhân lực và chính sách, Phó Thủ tướng Nguyễn
Hòa Bình lưu ý “một quốc gia mạnh không phải chỉ là quốc gia có nhiều
tài nguyên, mà một quốc gia mạnh là phải có thể chế, cơ chế chính sách
mạnh”. Ủy ban Dân tộc nghiên cứu hoàn thành tốt 14 đề án đang thực hiện
và các đề án phải bao gồm tất cả những chính sách ưu đãi nhất có thể, kể
cả vấn đề cử tuyển. Phó Thủ tướng hoan nghênh ý kiến của Bộ Y tế về cử
tuyển bác sĩ cho đồng bào dân tộc; đồng thời yêu cầu, trong đề án phát
triển nguồn nhân lực, cần phục hồi lại việc cử tuyển đối với cả lĩnh vực
quân đội, công an, giáo viên.
Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến việc củng cố đội ngũ cán bộ, nâng
cao năng lực thực thi; việc chọn điểm đột phá theo từng năm để báo cáo
Chính phủ tập trung chỉ đạo. Phó Thủ tướng gợi ý, sau chương trình xóa
nhà tạm, nhà dột nát, có thể chọn đột phá về xây trường nội trú, bán
trú, cải thiện điều kiện cho cả thầy và trò.
“Xác định trách nhiệm lớn lao, công việc khó khăn, năng lực có những
điểm hạn chế, nhưng nếu chúng ta đồng lòng, thành tâm, có trách nhiệm
đầy đủ, trăn trở với đồng bào thì chúng ta sẽ làm được điều gì đó cho
dân”, Phó Thủ tướng nói.
HOÀN THÀNH 83/142 NHIỆM VỤ
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A
Lềnh cho biết, năm 2024, Ủy ban được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao
xây dựng 15 đề án, chính sách dân tộc. Đến nay, Thủ tướng đã phê duyệt 1
đề án về “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm
2030”. Ủy ban đã hoàn thành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 3 đề
án, đang tiếp tục triển khai, hoàn thiện 9 đề án; báo cáo Thủ tướng
Chính phủ xin rút khỏi chương trình công tác năm 2024 hai đề án.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên hệ thống
cơ sở dữ liệu Chính phủ, lũy kế đến cuối tháng 9/2024, Ủy ban đã hoàn
thành 83/142 nhiệm vụ; số nhiệm vụ đang thực hiện/chưa hoàn thành là 59
(trong đó, 46 nhiệm vụ còn trong hạn; 9 nhiệm vụ quá hạn).
Về tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng Hầu A Lềnh
cho biết, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có địa hình chia cắt, hiểm
trở, khí hậu khắc nghiệt; thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí
hậu và thiên tai. Chín tháng năm 2024, thiên tai, bão lũ đã gây thiệt
hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ
tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đặc biệt là
cơn bão số 3 (bão Yagi) đầu tháng 9/2024, gây thiệt hại và ảnh hưởng rất
lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra, Ủy ban Dân tộc đã
thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo Ủy ban làm trưởng đoàn đi nắm
bắt tình hình, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả
do mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên
Quang…
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng
vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình kinh tế - xã hội vùng
đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt. Cơ
cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng
đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh
thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được
quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và
phát huy; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các
dân tộc được củng cố và tăng cường.
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
là 137.664,959 tỷ đồng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến ngày
30/9/2024, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công thực hiện Chương trình
năm 2024 đạt khoảng 56% kế hoạch (2 tỉnh có tỷ lệ giải ngân dưới 10% là
Hà Tĩnh 0,0%, Bình Phước 9%). Lũy kế giải ngân vốn sự nghiệp thực hiện
Chương trình đến 31/8/2024 đạt 10,2% kế hoạch.
Trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, kết quả giải ngân
vốn đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và
miền núi đã có sự thay đổi đáng kể. Từ vị trí đứng cuối cùng năm 2022
với kết quả giải ngân thấp nhất, lên đứng thứ 2 năm 2023 và hiện nay
(tháng 9/2024) đã trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia có tỷ lệ giải
ngân cao nhất, với tỷ lệ vốn tuyệt đối cao hơn gần 1,2 lần so với tổng
vốn của cả hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và
giảm nghèo bền vững./.
TTXVN