Chiều 30/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017 và công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố.
Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành 69 nghị định để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, góp phần từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được các bộ, ngành quan tâm đẩy mạnh nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển để phục vụ nhân dân, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến đầu tháng 3/2017, có 7 bộ, ngành (gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Quốc phòng, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2017, trong đó xác định trọng tâm là theo dõi thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp để kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, trọng tâm là các thủ tục hành chính nộp thuế và bảo hiểm xã hội; cấp phép xây dựng; giải quyết tranh chấp hợp đồng; giải quyết phá sản doanh nghiệp; kết nối cấp, thoát nước; tiếp cận điện năng; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản; thông quan hàng hóa qua biên giới. Tính đến quý I/2017, đã có 10/30 bộ, ngành và 21/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch hoặc chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.
Song song với cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công tác hậu kiểm cũng được các bộ, ngành tăng cường thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Văn phòng Chính phủ tiếp tục duy trì có hiệu quả hoạt động của Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn. Theo đó, tính đến nửa đầu tháng 5/2017, đã tiếp nhận được 586 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, trong số đó có 489 phản ánh, kiến nghị đã được Văn phòng Chính phủ phân loại và chuyển cho cho các bộ, ngành, địa phương xử lý. Đến nay, có 372 phản ánh, kiến nghị đã được các bộ, ngành, địa phương xử lý và trả lời doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 76,1%. Văn phòng Chính phủ đã mở thêm kênh thông tin tương tác giữa Chính phủ với người dân để lắng nghe, tiếp nhận và xử lý kịp thời những vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn.
Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện. Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN tiếp tục được các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP. Đến nay, đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối cơ chế một cửa quốc gia với 37 thủ tục hành chính được đưa ra thực hiện; đã tiếp nhận và xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trên 264 nghìn bộ hồ sơ thủ tục hành chính của trên 9,4 nghìn doanh nghiệp.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ những hạn chế như thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực tuy đã được cải cách nhưng vẫn còn rườm rà; triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển và bổ nhiệm công chức ở một số nơi còn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, Phó Thủ tướng nêu rõ từ nay đến cuối năm 2017, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo sự nhất quán, kiên trì, liên tục trong cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục nghiên cứu phân cấp mạnh cho địa phương về tài chính, ngân sách, về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế ngành, trung ương chỉ theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính theo danh mục đã được phê duyệt, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ với nội dung trọng tâm là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị cố ý làm trái các quy định pháp luật, gây khó khăn cho công dân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính; cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4 và tích hợp các dịch vụ công này với Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia. Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ….
Đối với mô hình trung tâm hành chính công, Phó Thủ tướng cho rằng tùy theo từng địa phương để áp dụng mô hình này. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa bàn lớn, mật độ dân cư cao, việc tập trung mô hình trung tâm hành chính công là không phù hợp, song hai địa phương này phải nghiên cứu xây dựng mô hình phù hợp để ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng chính quyền thông minh, chính quyền điện tử, phục vụ người dân có hiệu quả nhất. Việc kết nối cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố với Chính phủ phải liên thông cho tốt, ứng dụng tương thích./.
Chu Thanh Vân/TTXVN