Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì cuộc hội thảo “Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới” diễn ra ngày 5/12 tại Hà Nội.
Đây là hội thảo có sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, nhà quản lý, người làm công tác thư viện nhằm đánh giá thực trạng, kết quả ngành thư viện đã đạt được trong việc góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian qua. Từ đó, các đại biểu xác định các yêu cầu đặt ra cùng phương hướng phát triển trong thời kỳ mới, thu nhận tư liệu để hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đứng trước tình hình mới, muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa vào nguồn nhân lực hội tụ các yếu tố giáo dục, khoa học, văn hóa. Trong đó, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần thì các cơ quan chức năng phải tiến hành đồng bộ các hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động thư viện. Với sự tiến bộ nhanh của khoa học công nghệ như hiện nay, thư viện không còn là nơi giữ sách, cán bộ thư viện không thể chỉ là người giữ sách mà còn phải là người hướng dẫn, chuyên gia tra cứu hiệu quả cho người đọc.
Phó Thủ tướng cho rằng công nghệ phát triển là thách thức lớn với nhiều ngành, trong đó có thư viện nhưng cũng mang lại thời cơ và đòi hỏi toàn ngành phải chủ động đối mặt với thách thức, từ đó biến thành thời cơ phát triển hiệu quả. Việc số hóa thư viện trên toàn quốc sẽ góp phần thu hút hàng trăm triệu lượt bạn đọc, thậm chí nhiều hơn nữa. Do đó, toàn ngành thư viện phải thay đổi mạnh mẽ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải thay đổi cách quản lý, quản trị ngành thư viện, các cán bộ thư viện phải thay đổi cách thức hoạt động để tiếp cận, thu hút bạn đọc hiệu quả… Nếu thực hiện thành công việc số hóa thư viện trên toàn quốc thì đây sẽ là thời cơ lớn để tất cả hệ thống thư viện Việt Nam trở thành thư viện công cộng cho tất cả mọi người dân tiếp cận thông tin, tri trức ở mọi nơi, mọi lúc…
Hiện Đại học Quốc gia đã tiến hành xây dựng và phát triển thư viện số đại học dùng chung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng ra các thư viện trong hệ thống, để biến thư viện nhỏ thành thư viện chung của Việt Nam…
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Những năm qua, hoạt động của ngành thư viện diễn ra trong điều kiện khó khăn, văn hóa đọc đứng trước thách thức lớn với văn hóa nghe - nghìn nhưng ngành thư viện cả nước vẫn kiên định sứ mệnh cung cấp, thúc đẩy việc tiếp cận thông tin, tri thức của người dân thông qua dịch vụ thư viện. Ngành thư viện đã góp phần thông tin đa dạng, hỗ trợ việc tiếp cận các nguồn lực thông tin trong, ngoài thư viện trong việc học tập, nghiên cứu, giải trí và phát triển của các tầng lớp nhân dân.
Việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ đã làm thay đổi phương thức hoạt động trong thư viện. Các thư viện Việt Nam đã và đang chuyển dịch từ mô hình thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số hiện đại. Sự thay đổi này mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng và các thư viện. Thư viện điện tử đã tạo ra cơ hội tiếp cận vốn tài liệu và nguồn lực thông tin, không bị giới hạn về không gian và thời gian. Người đọc không cần đến thư viện vẫn khai thác được nguồn tài liệu với máy tính/ trang thiết bị thông minh có kết nối internet.
Thư viện đã và đang mang đến cho người đọc những cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở. Cùng với việc xây dựng bộ sưu tập các tài liệu in, tài liệu đa phương tiện, nhiều thư viện đã chủ động thu thập dữ liệu, tài liệu số; xây dựng các chính sách để truy cập, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu. Đồng thời, các thư viện tiến hành xử lý, lưu trữ và bảo tồn, quản lý dữ liệu; truyền thông, tổ chức cho mọi người, mọi đối tượng bạn đọc sử dụng.
Tuy nhiên, công nghệ phát triển cũng đặt ra cho ngành thư viện không ít thách thức phải vượt qua. Điều này đòi hỏi nếu không chủ động đổi mới phương thức hoạt động, các thư viện sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách so với cộng đồng thư viện thế giới. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tuy đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao, khả năng thích ứng của đội ngũ cán bộ thư viện với sự thay đổi còn hạn chế, thiếu các kiến thức chuyên môn, quản lý, hoạt động trong môi trường hiện đại…
Theo kế hoạch, trong năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ cho sự phát triển của thư viện, trong đó có Luật Thư viện. Ngành thư viện sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động, đặc biệt là xây dựng và phát triển vốn tài liệu, hình thành bộ sưu tập số kết nối với “Hệ tri thức Việt số hóa”…/.
Thanh Giang/TTXVN