Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: Chương trình giảm nghèo bền vững
là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Giảm nghèo bền vững gắn với với
phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được sự đồng thuận của cả
hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Chiều 22/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc thực hiện công tác giảm nghèo, chương trình giảm nghèo, triển khai nhiệm vụ năm 2013 và định hướng thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mặc dù kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo. Các chương trình, chính sách giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội (các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội); tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện hiệu quả công tác có ý nghĩa xã hội sâu sắc này.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và các huyện nghèo giảm nhanh, hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% (năm 2012). Nhiều địa phương đã có cách làm tốt, có nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như Lào Cai, Hà Giang, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bến Tre: Mô hình dân quân y kết hợp trong chăm sóc sức khỏe người dân; mô hình kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng do các đoàn kinh tế quốc phòng thực hiện giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định, thoát nghèo. Người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ nghèo của cả nước và các huyện, xã nghèo giảm nhanh, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Các đại biểu dự Hội nghị cho rằng: Để giảm nghèo thực sự bền vững, cần tăng sự đồng thuận trong thực hiện chính sách giảm nghèo, nghiên cứu mức hỗ trợ khác nhau phù hợp với các địa phương có điều kiện kinh tế, địa bàn khác nhau; chú trọng đến công tác học nghề, tạo việc làm; gắn việc sản xuất với tiêu thụ; quy hoạch sản xuất, phát huy thế mạnh từng vùng...
Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết: Bộ đã đề xuất trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ xây nhà cho người nghèo từ 7 triệu đồng lên 10 triệu đồng/hộ, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở vùng khó khăn là 12 triệu đồng và ở vùng đặc biệt khó khăn là 14 triệu đồng; nâng mức vay lên 15 triệu đồng...
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương nỗ lực của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội cũng như các cấp chính quyền địa phương trong hai năm qua đã bước đầu thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: Chương trình giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Giảm nghèo bền vững gắn với với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, công tác giảm nghèo có nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; còn có sự sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội; cơ chế chính sách nhiều dẫn đến chồng chéo, phân tán nguồn lực, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Cá biệt có những nơi cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền vận động chưa tốt dẫn đến việc người dân chưa thật chủ động thấy được việc thoát nghèo là mục tiêu cần phấn đấu, kiên trì đạt được...
Để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm (từ 9,6% xuống còn 7,6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89% năm 2013); đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành; tỷ lệ nghèo các huyện còn dưới 30%, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá lại các chính sách giảm nghèo hiện hành, xác định các chính sách cần tiếp tục thực hiện; chính sách cần sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu ban hành các chính sách mới theo hướng mở rộng các đối tượng như: hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Các Bộ, ngành và địa phương cũng cần quan tâm đến công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nông thôn mới...
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý lãnh đạo các tỉnh, thành phố lồng ghép các chỉ tiêu của Chương trình giảm nghèo bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; chủ động xây dựng cơ chế, chính sách giảm nghèo phù hợp với địa phương mình; tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân và cộng đồng hiểu được nguyên tắc, cách thức triển khai chương trình về giảm nghèo; nhân rộng các mô hình, điển hình làm tốt việc giảm nghèo bền vững để các địa phương học tập lẫn nhau...
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chính sách, dự án giảm nghèo ở cơ sở; kịp thời báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo những bất cập, hạn chế để có những giải pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.../.
Theo TTXVN