Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 30/12/2013 15:44'(GMT+7)

Phối hợp hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Sáng 30/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2013 và triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2014. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự ủng hộ và nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, công tác điều hành tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2013 đã đạt được những kết quả tích cực.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành Tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung phấn đấu thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, điều hành thu-chi ngân sách chặt chẽ, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ quyết định nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, từ đó, khẩn trương tổ chức hướng dẫn thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tập trung điều hành việc thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, phù hợp với khả năng thu; thực hiện chủ động, tích cực và linh hoạt công tác huy động vốn, quản lý nợ công; thực hiện hiệu quả công tác quản lý giá, góp phần kiềm chế lạm phát; đóng góp tích cực vào thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng...

Nhờ vậy, mặc dù trong điều kiện thu khó khăn, song ngân sách Nhà nước luôn đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán, chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nguồn kinh phí thực hiện chính sách tăng lương cơ sở và bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... Đồng thời, Bộ Tài chính đã tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kiến nghị xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách, rà soát để loại bỏ các chính sách trùng lặp.

Căn cứ Kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2014 đã được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính xác định mục tiêu tổng quát nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2014 là: Thực hiện chính sách thu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư; xây dựng dự toán thu ngân sách tích cực, đúng chế độ, phản ánh sát hoạt động của nền kinh tế và tình hình tài chính của các doanh nghiệp; bố trí dự toán chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, cơ cấu lại nhiệm vụ chi cần thiết, quan trọng nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại trong tình hình mới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, trong thành quả phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước năm 2014 có sự đóng góp trực tiếp, hiệu quả, thiết thực của ngành Tài chính.

Ngành Tài chính đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách tài khoá, bảo đảm kế hoạch thu chi ngân sách; kịp thời tham mưu cho Chính phủ triển khai các giải pháp tài chính-NSNN để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần cho tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội; phối hợp có hiệu quả giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ để giữ ổn định kinh tế vĩ mô; đóng góp tích cực vào tái cơ cấu kinh tế...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bước vào năm 2014, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những nhiệm vụ lớn của năm 2014 được xác định là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước...

Chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, đảm bảo cho tái cơ cấu kinh tế.

Trong thực hiện nhiệm vụ phối hợp nêu trên, cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế; thực hiện nghiêm túc việc thu đúng, thu đủ thuế, phí, đi đôi với đó là thực hiện hiệu quả chính sách miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn  thuế; đảm bảo được vốn cho đầu tư phát triển; cũng như đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Đồng thời, phối hợp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý giá cả hàng hóa, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, găm hàng gây sốt giá nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới; kiên quyết thực hiện giá thị trường với các mặt hàng, trong đó có điện, than, xăng dầu... Quản lý nghiêm về giá đối với mặt hàng sữa và thuốc chữa bệnh; rà soát, quản lý chặt chẽ, thu hẹp việc cho vay ưu đãi.

Nhiệm vụ lớn thứ hai được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là tăng cường quản lý thu; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng, chống thất thu, gian lận thương mại, góp phần tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đẩy mạnh việc xử lý và thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thu ngân sách.

Đồng thời, quản lý chi tiêu chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, gắn với hiệu quả công việc; đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ chi cho các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác, nhất là đi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động kỷ niệm, khởi công, khánh thành...

Bênh cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành Tài chính phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế; nhấn mạnh ngành Tài chính cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Về tái cấu trúc đầu tư công, ngành Tài chính và Kế hoạch-đầu tư cần phối hợp chặt chẽ, kiến nghị các giải pháp để từng bước xử lý vấn đề nợ xây dựng cơ bản; hoàn thiện thể chế để thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Về tái cơ cấu ngân hàng, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu ngân hàng. Về tái cấu trúc các DNNN, tích cực tham gia xây dựng, thẩm định Đề án tái cơ cấu đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ngành Tài chính cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, trước hết là hệ thống pháp luật về thuế, hải quan, ngân sách, quản lý tài chính doanh nghiệp, với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế.

Tập trung đẩy mạnh đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về thuế và hải quan; rút ngắn thời gian thông quan, tăng cường công tác khai thuế điện tử qua mạng, đẩy mạnh triển khai nộp thuế qua hệ thống ngân hàng, tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế và hải quan./.

(Theo: Chinhphu.vn)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất