Ngày 1/9, tỉnh Cà Mau tổ chức trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật và phục dựng lại hoạt động của Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Hồng Anh Thư Quán.
Tại di tích, gần 100 hiện vật, 200 đầu sách quý và các hoạt động trước kia theo hình thức xã hội hóa với mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm đã được trưng bày.
Ông Lê Minh Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Cà Mau cho biết, phục dựng hoạt động của Hồng Anh Thư Quán sẽ phục vụ hiệu quả hơn cho công tác tuyên truyền, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, gắn kết di tích và cộng đồng theo hướng bền vững. Đây không chỉ là mô hình đầu tiên của tỉnh Cà Mau mà của cả khu vực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa.
Trưng bày cũng là tiền đề hướng đến những hoạt động bổ ích, là nơi giao lưu, sinh hoạt của các câu lạc bộ như câu lạc bộ cổ vật, câu lạc bộ sách cũ, câu lạc bộ nghiên cứu lịch sử…, nơi hội ngộ của những người có chung niềm đam mê tìm hiểu về văn hóa, lịch sử vùng đất Cà Mau.
Ngược dòng lịch sử, cuối năm 1927, đồng chí Đào Hưng Long được Kỳ Bộ Nam Kỳ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng cử về thị trấn Cà Mau hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin cho nhóm thanh niên yêu nước, có ý thức giác ngộ cách mạng.
Đến tháng 1/1929, Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau được thành lập. Chi hội xác định nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, giáo dục ý thức cách mạng trong nông dân, công nhân, học sinh, trí thức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ.
Chi hội đã mở hiệu sách "Hồng Anh Thư Quán" và quán cơm "Tâm Đồng" là nơi phổ biến những sách báo có nội dung tiến bộ, giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời làm nơi tập hợp, sinh hoạt của những người hoạt động cách mạng; là địa điểm hội họp, trao đổi ý kiến của Chi hội Thanh niên cách mạng, nơi nói chuyện thời cuộc của những người yêu nước, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền vận động cách mạng.
Chi hội Thanh niên cách mạng còn tích cực vận động, lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ; đòi giảm thuế chợ, thuế đò, thuế thân; chống cướp đất, chống tăng lúa tô diễn ra ở nhiều nơi.
Những hoạt động này đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là dân nghèo của thị trấn, lực lượng thanh niên và nhân dân các xã xung quanh. Tháng 9/1929, dù cơ sở bị địch khủng bố, bắt bớ, nhưng phong trào cách mạng trong thị trấn Cà Mau và các làng quanh vùng luôn được nhen nhóm và phát triển vững chắc theo phương hướng lãnh đạo của Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau.
Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau thành lập và hoạt động thời gian không bao lâu nhưng việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng gây ảnh hưởng rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân thị trấn Cà Mau và các xã quanh vùng. Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng làm tròn vai trò, nhiệm vụ lịch sử của mình, tạo được hạt nhân và tiền đề cho sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thị trấn Cà Mau vào tháng 1 năm 1930.
Ông Lê Minh Sơn cho biết, tỉnh Cà Mau là một vùng đất được khai phá hơn 300 năm nhưng với bề dày truyền thống đấu tranh ngoan cường của các lớp người đi trước, lịch sử đã để lại mảnh đất này bao dấu tích đáng tự hào, cần được tôn vinh và gìn giữ.
Thực hiện nhiệm vụ của mình, trong những năm gần đây, Ban Quản lý Di tích tỉnh đã không ngừng triển khai các công tác nghiệp vụ nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh; từng bước gắn kết di tích với đời sống cộng đồng, chỉnh trang cảnh quan môi trường di tích; phối hợp với đoàn thanh niên và trường học tôn tạo di tích; tổ chức tham quan về nguồn tại các điểm di tích kết hợp công tác xã hội; dựa vào người dân khai thác thế mạnh của từng di tích để thu hút khách tham quan.
Huỳnh Anh (TTXVN)