Chủ Nhật, 10/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 2/12/2014 21:4'(GMT+7)

"Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng”

Toàn cảnh Hội thảo khoa học cấp nhà nước (Ảnh: Tuấn Anh)

Toàn cảnh Hội thảo khoa học cấp nhà nước (Ảnh: Tuấn Anh)

Hội thảo do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh uỷ Cao Bằng tổ chức. 

Tham dự sự kiện này có Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đông đảo đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương… 

Chủ trì Hội thảo là các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo; Trung tướng Mai Quang Phấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Phó trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo; Hà Ngọc Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng; Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tướng Phan Văn Giang, Tư lệnh Quân khu 1; Thiếu tướng Phùng Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư mừng tới Hội thảo, hoan nghênh Bộ Quốc phòng và Tỉnh uỷ Cao Bằng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Nhà nước “Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng” trên chính mảnh đất Cao Bằng lịch sử - cái nôi của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân… 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong thư mừng: “Qua cuộc hội thảo quan trọng và rất ý nghĩa này, tôi tin tưởng các đồng chí sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý để quân đội ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kế thừa, phát huy bản chất cách mạng, truyền thống hào hùng và phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội phải ra sức thi đua lập công xuất sắc trong mọi nhiệm vụ, cùng toàn Đảng và toàn dân xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng đấu tranh hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” . 

Phát biểu Đề dẫn của Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo khẳng định: Cuộc Hội thảo khoa học cấp Nhà nước “Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng” là một trong những nội dung hoạt động thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi và truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới. 

Hội thảo cũng là một trong những sinh hoạt chính trị thiết thực, có ý nghĩa trong chuỗi hoạt động tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 2014-2015; kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị về và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

Cách đây tròn 70 năm, ngày 22 /12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân chính thức được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới cho lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Với tầm nhìn xa trông rộng, đầu năm 1940, ngay sau khi trở về Trung Quốc hoạt động để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nêu ý định chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng đầu tiên. Người nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở rất thuận lợi”. Vì vậy, từ năm 1941, trên căn cứ địa cách mạng Cao Bằng đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đối với cách mạng cả nước. 

Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và trưởng thành từ những ngày đầu gian khó, QĐND Việt Nam đã cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên những chiến công hiển hách, với những thắng lợi vẻ vang tiến tới Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền (8/1945) đánh bại hai đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…  Dưới sự chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, được nhân dân nuôi dưỡng và đùm bọc, Quân đội ta đã không ngừng phát huy bản chất cách mạng. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, QĐND Việt Nam luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đã cùng với nhân dân làm nên những chiến thắng huy hoàng, xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.    

Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ: Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, với 34 chiến sỹ, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân với trang bị vũ khí còn thô sơ nhưng đã làm nên chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, mở ra truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta sau này. Chưa đầy một năm sau, Quân đội nhân dân đã góp phần quan trọng cùng toàn dân làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại, giành độc lập dân tộc, tạo tiền đề cho sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á… Quân đội ta đã tổ chức nhiều chiến dịch với quy mô ngày càng lớn, nhất là cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân (1953-1954), tiến tới giành thắng lợi trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Rồi kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đi tới hết thắng lợi này tới thắng lợi khác kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất đất nước, giành lại độc lập dân tộc, non sông quy về một mối. 

Trong tham luận “Sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - Luận giải từ góc độ lịch sử và văn hoá”, PGS. TS. Phạm Hồng Tung đã phân tích, chỉ rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội, ngay từ khi mới trở về Pác Bó, Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc tình hình và chỉ ra phương hướng phát triển của cách mạng Việt Nam: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hoà bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay thì chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên… Đây chính là cốt lõi tư tưởng của việc thành lập, lãnh đạo, xây dựng, hoạt động và phát triển của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – nhiệm vụ được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp phụ trách với lời căn dặn: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của đội phải lất chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”. Tư tưởng đó càng được Lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định rõ trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân có đề rõ nhiệm vụ: “1. Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội quân tuyên truyền”. Tư tưởng ấy cũng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp nhận và truyền đạt chính xác, rõ rang trong lời huấn lệnh tại lễ thành lập Đội: “Các đồng chí! Nhiệm vụ mà đoàn thể uỷ thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị quan trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”. 

Tham luận PGS. TS. Phạm Hồng Tung kết luận, khẳng định nhiệm vụ “chính trị quan trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền quan trọng hơn chiến lược” - những phương lược, chiến lược độc đáo chưa từng có trong lịch sử quân sự thế giới.  

Hội thảo đã nhận được hàng trăm tham luận khoa học về lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam với 70 năm hình thành, lớn mạnh và phát triển. Trong thời gian một ngày, gần 20 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tướng lĩnh, sỹ quan quân đội đã được trình bày, với các chủ đề  - nội dung: Phát huy truyền thống anh hùng, đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; Xây dựng quân đội cách mạng - Quan điểm cơ bản, chủ trương nhất quán của Đảng Công sản Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam; “Bộ đội Cụ Hồ” - một giá trị độc đáo của văn hoá quân sự Việt Nam; Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ - Quân khu 7 trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; Nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong 30 năm chiến tranh giải phóng; Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Ngày hội của Khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; Sự phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ hậu phương chiến lược miền Bắc thời kỳ chống Mỹ, cứu nước… 

Các tham luận và ý kiến trình bày tại Hội thảo đều khẳng định vai trò quan trọng của QĐND Việt Nam trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc; đập tan những âm mưu “diễn biến hoà bình”, “phi chính trị” trong quân sự mà các thế lực thù địch là vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay. Đồng thời đánh giá sâu sắc chặng đường 70 năm từ khi xây dựng và phát triển nhằm xây dựng một nền quốc phòng vững mạnh, quân đội ta là lực lượng nòng cốt trong nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ đổi mới. Trong đó, nêu bật một số vấn đề then chốt như sau: 

Thứ nhất, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, xây dựng, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Thứ hai,
những nhân tố làm nên sức mạnh to lớn, sự phát triển, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong giai đoạn hiện nay. 

Thứ ba, truyền thống anh hùng, bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. 

Thứ tư,
tinh thần đoàn kết chiến đấu với quân, dân hai nước Lào, Campuchia và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, vì mục tiêu hoà bình và tiến bộ của nhân loại. 

Thứ năm,
những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội trong 70 năm qua, vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./. 

Một số hình ảnh tại Hội thảo

 
 
 Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu đoàn đại biểu
dâng hoa trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng.
 
 Văn nghệ chào mừng Hội thảo.
 
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
                       
GS. TS. Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý Luận, Phê bình VHNT Trung ương
có những đánh giá sâu sắc tại Hội thảo (Ảnh: Tuấn Anh)

Tin, ảnh: Tuấn Anh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất