Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 19/6/2017 20:16'(GMT+7)

"Quan hệ báo chí-doanh nghiệp: Trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững"

Nhà báo tác nghiệp tại một sự kiện. (Ảnh: TTXVN)

Nhà báo tác nghiệp tại một sự kiện. (Ảnh: TTXVN)

Các khách mời tham gia tọa đàm gồm: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng; Ủy viên ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo Nguyễn Thành Lợi cùng đại diện một số doanh nghiệp.

Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước

Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh báo chí có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội và song hành cùng các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Thời gian qua, báo chí đã cung cấp những thông tin nhanh nhạy, kịp thời, toàn diện và đa dạng cho công chúng; đáp ứng nhu cầu về mặt thông tin hiện nay trước sự bùng nổ mạnh mẽ của truyền thông xã hội.

Xét về mối quan hệ hai chiều giữa báo chí và doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Lợi cho rằng báo chí đã cung cấp thông tin đầy đủ và nhanh nhất của doanh nghiệp cho công chúng, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Đồng tình với quan điểm trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng nhận định vai trò đầu tiên của báo chí đối với nền kinh tế là cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa xã hội với doanh nghiệp và giữa Nhà nước với xã hội.

Ông Phùng Văn Hùng khẳng định con người là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của kinh tế, trong khi báo chí có vai trò quan trọng, tác động lên nhận thức của con người.

Bên cạnh việc cung cấp thông tin, kiến thức, góp phần nâng cao trình độ của người dân và doanh nhân, báo chí còn có tác động không nhỏ làm cho việc thực thi chính sách, pháp luật tốt hơn; từ đó giúp người dân hiểu biết hơn về kinh tế và sản phẩm của các doanh nghiệp, định hướng tiêu dùng cho người dân. Các doanh nhân cũng có thể tiếp nhận kiến thức từ báo chí để nâng cao năng lực sản xuất và quản lý của mình.

Với góc độ là đại biểu Quốc hội, ông Phùng Văn Hùng cho rằng báo chí đã cung cấp kịp thời, trung thực tất cả thông tin từ nghị trường đến với người dân; phản ánh ý kiến, quan điểm của người dân về những vấn đề Quốc hội đang thảo luận để các đại biểu kịp thời tiếp nhận, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật.

Thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp

Ông Phùng Văn Hùng khẳng định mối quan hệ hai chiều giữa báo chí và doanh nghiệp là tất yếu và tự nhiên trong nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp thông qua báo chí để cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Báo chí cũng cần đến doanh nghiệp vì đó là nơi để báo chí tác nghiệp, phản biện các vấn đề mà xã hội cần. Thời gian qua, báo chí đóng góp tích cực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái tạo lao động, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng báo chí không chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp với xã hội và người tiêu dùng, mà còn kết nối các doanh nghiệp với nhau, tạo điều kiện mở rộng thị trường, giao lưu hợp tác. Trên thực tế, xã hội và người tiêu dùng tìm đến với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu về đầu tư, giải quyết việc làm, tiêu dùng mua sắm...

Ngược lại, doanh nghiệp cũng gắn kết với xã hội và người tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình. Với tư cách là người trong cuộc, các doanh nghiệp hiểu rất rõ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, từ đó nêu ý kiến đối với các cơ quan chức năng để hoàn thiện, xây dựng chính sách phát luật dựa trên các hoạt động thực tiễn.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Hương Sen Đỗ Văn Vẻ khẳng định nhiều năm qua, các cơ quan báo chí thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn cũng như động viên, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến của các doanh nghiệp. Nhiều bài báo, thước phim sắc bén đã tạo điều kiện, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp; thông qua báo chí, nhiều doanh nghiệp có thể thoát hiểm, được minh oan, vượt qua nguy cơ phá sản, đứng vững trên thị trường.

Để nâng cao mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp, theo ông Đỗ Văn Vẻ, các nhà báo cần tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nhân; công tâm trong phản ánh, tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng phải trang bị tư duy mới, chủ động cung cấp thông tin một cách trung thực cho báo chí vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng tình với quan điểm cần thắt chặt mối quan hệ bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp, ông Phùng Văn Hùng cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một năng lực truyền thông nhất định; phối hợp với các cơ quan báo chí để đưa thông tin đến với dư luận, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thông tin trung thực sẽ tác động, kích thích rất lớn đến quá trình phát triển của doanh nghiệp nhưng nếu nguồn thông tin được phản ánh theo hướng tiêu cực, có thể làm thiệt hại lớn đến nền kinh tế, đe dọa sự tồn tại của doanh nghiệp.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa báo chí và doanh nghiệp là không thể thiếu./.

Đỗ Bình (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất