Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Moon Jae-in và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/3.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Duy trì đà phát triển mạnh mẽ
Với những mối liên kết truyền thống, sự tương đồng về lịch sử và văn hóa được củng cố bằng cơ cấu kinh tế hỗ trợ lẫn nhau, vun đắp bằng tình hữu nghị cùng với nỗ lực chung giữa hai chính phủ và nhân dân, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc những năm qua, đã đạt được những thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân, đặc biệt là kinh tế, góp phần vào sự phát triển, hợp tác trong khu vực và trên toàn thế giới.
Năm 2001, hai nước đã nâng cấp thành quan hệ Đối tác toàn diện và sau đó là quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược vào năm 2009. Điều đó khẳng định ý chí và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước, tạo cơ sở chính trị quan trọng đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc phát triển ở tầm cao chiến lược mới trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và Hàn Quốc còn là những đối tác quan trọng có đóng góp tích cực trong các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương của khu vực và quốc tế. Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc duy trì đà phát triển mạnh mẽ, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước được duy trì thường xuyên.
Đến nay, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về viện trợ phát triển chính thức (sau Nhật Bản), du lịch và thương mại (sau Trung Quốc). Hàn Quốc dành ưu tiên hợp tác cao nhất cho ASEAN, trong đó có Việt Nam chỉ sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản.
Việt Nam là điểm đầu tư lớn thứ tư của Hàn Quốc ra nước ngoài. Hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, LG, POSCO, SK, Lotte, Kumho-Asiana... đã có mặt tại Việt Nam.
Việt Nam là đối tác nhận viện trợ lớn nhất của Hàn Quốc. Nhiều hình thức viện trợ (vốn vay ODA, viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật...) được Hàn Quốc áp dụng, tập trung cho các lĩnh vực: hành chính, giáo dục, quản lý tài nguyên nước, hạ tầng... Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế cho giai đoạn 2012-2015, cam kết hỗ trợ 1,5 tỷ USD vốn ODA cho giai đoạn 2016-2020.
Trong năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 61,5 tỷ USD tăng 41,29%, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 14,8 tỷ USD (tăng 29,96%), nhập khẩu đạt 46,7 tỷ USD (tăng 48,4%). Việt Nam có nhiều mặt hàng quan trọng xuất khẩu đạt số lượng lớn sang Hàn Quốc như dệt may, nông sản, xơ-sợi, điện thoại, máy tính... Trong hai tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 9,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,6 tỷ USD tăng 36,4%, nhập khẩu đạt 7 tỷ USD tăng 18,7%.
Nhằm đạt được kết quả tốt đẹp hơn nữa trong một số lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế trong thời gian tới, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tú cho rằng trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực từ cuối năm 2015, hai bên cần mở rộng hơn nữa quy mô thương mại và đầu tư, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại lên mức 100 tỷ vào năm 2020 đi đôi với thúc đẩy cân bằng thương mại thông qua việc Hàn Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Hai bên cần khuyến khích các doanh nghiệp không chỉ thuộc quy mô lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực hạ tầng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo. Hai bên chú trọng chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu của Hàn Quốc.
Tiếp tục đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác
Cùng với quan hệ chính trị, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, các lĩnh vực hợp tác then chốt cũng tiếp tục được củng cố và đẩy mạnh.
Về hợp tác lao động, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam. Hiện Việt Nam có gần 50.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc.
Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ hai sau Trung Quốc). Năm 2016, trên 1,54 triệu lượt du khách Hàn Quốc đã tới Việt Nam, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2015. Năm 2017, lượng khách du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam đạt hơn 2,5 triệu lượt khách (tăng 128% so với cùng kỳ năm 2016). Trong hai tháng đầu năm 2018, khách Hàn Quốc đạt 619.700 lượt người, tăng 70%.
Hàn Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình nông thôn mới, nổi bật nhất là "Chương trình hạnh phúc" tại Quảng Trị và Lào Cai. Tại Quảng Trị, Tổ chức Koica Hàn Quốc đã chọn xã Mò Ó huyện Đakrông để hỗ trợ về phát triển sản xuất. Bước đầu chương trình đã có những tác động tích cực đến đời sống của người dân.
"Chương trình hạnh phúc” lấy người dân Lào Cai làm trọng tâm, hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn ở những vùng sâu xa do điều kiện đi lại khó khăn, nhằm nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường năng lực trong lĩnh vực giáo dục, y tế.
|
Lắp ráp điện thoại di động tại Tổ hợp công nghệ cao Samsung,
Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN) |
Tháng 8/1994, hai nước đã ký Hiệp định văn hoá, Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch vào tháng 10/2008 cùng nhiều thoả thuận hợp tác giao lưu thanh niên và giáo dục khác. Năm 2006, Hàn Quốc thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Ngày 16/2/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, tháng 6/2010, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công viên Khoa học Chung Nam - Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận hợp tác.
Ngày 14/11/2015, Dự án Vườn ươm công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ đã khánh thành. Hiện Việt Nam và Hàn Quốc đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam-Hàn Quốc. Hợp tác về sở hữu trí tuệ được tăng cường thông qua việc trao đổi cán bộ, thông tin, đào tạo cán bộ theo các chương trình đào tạo của Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc, Trung tâm đào tạo quốc tế về sở hữu trí tuệ, hợp tác trong lĩnh vực tự động hóa quản lý sở hữu trí tuệ, thực thi quyền và các vấn đề liên quan đến Hiệp ước Hợp tác Sáng chế.
Về năng lượng nguyên tử, tháng 3/2007, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Bên cạnh đó, hai bên cũng có nhiều hoạt động hợp tác sâu sắc trong các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, hạ tầng giao thông, công nghệ tin học, khoa học công nghệ, nông, lâm, ngư nghiệp, giáo dục và đào tạo, văn hóa.
Theo thống kê của Cục quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, tới cuối tháng 12/2017, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có 162.137 người, trong đó có 48.537 lao động, 41.936 công dân kết hôn di trú, 21.823 du học sinh. Hàn Quốc cũng có cộng đồng khoảng 150.000 kiều dân tại Việt Nam, phần lớn là doanh nhân. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước. Hơn 40 tỉnh, thành, địa phương của hai nước đã ký kết và đang triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Moon Jae-in và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng phát triển tích cực với các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên. Đây cũng là dịp để lãnh đạo hai nước nhìn lại những kết quả đạt được trong những năm qua và định hướng cho tương lai quan hệ hai nước trên chặng đường những năm tới.
Việt Nam khẳng định kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó, luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Hàn Quốc./.
Theo TTXVN