Theo Đại sứ Luận Thùy Dương, với đà phát triển thuận lợi cùng những kinh nghiệm phong phú của hơn 40 năm giao lưu hợp tác cộng với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Myanmar sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả mới, to lớn hơn nữa, đáp ứng lợi ích thiết thực của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới
Nhân dịp Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar Aung San Suu Kyi thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-20/4 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương khẳng định chuyến thăm của Cố vấn Nhà nước Myanmar không chỉ tiếp nối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước mà còn khẳng định quan hệ hợp tác toàn diện về mọi mặt, tạo cơ sở vững chắc thúc đẩy quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện ngày càng phát triển, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Theo Đại sứ, trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi sẽ có cuộc hội đàm song phương và lãnh đạo hai bên sẽ ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng.
Lãnh đạo hai nước sẽ xem xét sự phát triển của quan hệ và hợp tác song phương những năm qua, đặc biệt kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Hợp tác Toàn diện.
Để hiện thực hóa hơn nữa mối quan hệ này, hai bên sẽ thảo luận thêm các biện pháp thúc đẩy hợp tác không chỉ trong lĩnh vực chính trị, thương mại và đầu tư, quốc phòng, an ninh, mà cả trong các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, kết nối, năng lượng, viễn thông, du lịch, giáo dục và giao lưu nhân dân.
Hai nước cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực, nêu các biện pháp hợp tác trong các diễn đàn đa phương, vừa đảm bảo được lợi ích của hai dân tộc, vừa đóng góp vào hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Đặc biệt, Việt Nam và Myanmar đều là thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nên hai nước sẽ thống nhất quan điểm về sự tham gia của hai thành viên có trách nhiệm trong Hiệp hội, đóng góp tích cực vào sự đoàn kết và gắn kết của Cộng đồng ASEAN, cũng như vai trò của ASEAN ở các khu vực rộng lớn hơn.
Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống
nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Aung San Suu Kyi. (Nguồn: TTXVN)
Trong những năm qua, việc trao đổi các đoàn thăm viếng các cấp, các kênh đã giúp củng cố tình hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau. Hai bên đã tăng cường tính hiệu quả của hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.
Hợp tác kinh tế song phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ khi khối lượng thương mại hai chiều năm 2017 đạt gần 830 triệu USD, tăng 51% so với năm 2016, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà hai nước đặt ra. Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Myanmar.
Về đầu tư, Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 17 dự án và 2,1 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 2,8% tổng số vốn đầu tư vào Myanmar.
Nổi bật nhất là dự án đầu tư của Viettel trong lĩnh vực viễn thông của Myanmar (tổng vốn đầu tư của liên doanh là 1,384 tỷ USD, trong đó Viettel nắm giữ 49% cổ phần).
Dự án này góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 10 lên thứ 7 trong tổng số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Myanmar.
Tính đến tháng 12/2017, Việt Nam có hơn 196 hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức: văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, công ty liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam (thêm các doanh nghiệp điện, Internet, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cửa kính khung nhôm, thức ăn chăn nuôi...).
Mối quan hệ hợp tác này chứng tỏ hai nền kinh tế bổ sung cho nhau và mang lại lợi ích cho cả hai bên, đặc biệt khi Chính phủ Myanmar đang tiến hành cải cách kinh tế rộng rãi trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, đầu tư, chế biến thủy sản, du lịch và dịch vụ.
Thời gian qua, hai nước tiếp tục thúc đẩy, duy trì các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, Tiểu ban hỗn hợp về thương mại; ký các Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa hai nước; rà soát các nội dung hợp tác trong thời gian qua, thảo luận các vấn đề còn vướng mắc và đưa ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Tại các kỳ họp của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Myanmar, hai bên đã bàn nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về nông-lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, năng lượng, thông tin, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch và khoa học công nghệ.
Tham khảo chính trị cũng đã tạo dựng được một số quan điểm chung giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Hai nước thường xuyên trao đổi thông tin, tham khảo các vấn đề hai bên cùng quan tâm, luôn thể hiện là đối tác, bạn bè tin cậy, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, tiểu vùng như Liên hợp quốc, ASEAN, hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS)...
Những phát triển gần đây trong hợp tác quốc phòng-an ninh song phương cũng được đánh giá cao, cả trong khuôn khổ song phương lẫn đa phương.
Trong năm 2017, hợp tác quốc phòng hai nước có nhiều thành tựu và điểm nhấn quan trọng, đáng kể là chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Tư lệnh các Lực lượng vũ trang, Thống tướng Min Aung Hlaing và việc Công ty liên doanh viễn thông Mytel chính thức đi vào hoạt động.
Điểm nổi bật về hợp tác văn hóa trong năm 2017 là hai nước đã ký được Chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam-Myanmar giai đoạn 2017-2020 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, tạo đà cho các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao giữa hai nước. Việt Nam và Myanmar cũng đã ký MOU hợp tác về giáo dục; hai bên đều bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện cho sinh viên sang học ở mỗi nước, mong muốn tăng cường trao đổi, hợp tác, giao lưu giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề.
Theo Đại sứ Luận Thùy Dương, với đà phát triển thuận lợi cùng những kinh nghiệm phong phú của hơn 40 năm giao lưu hợp tác cộng với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Myanmar sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả mới, to lớn hơn nữa, đáp ứng lợi ích thiết thực của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới./.
Theo TTXVN