Cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng
trọt, sáng 9/11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều
chỉnh của Luật; bổ sung quy định về quản lý chất lượng giống theo tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đổi mới phương thức quản lý theo hướng đơn
giản hóa thủ tục nhưng bảo đảm chặt chẽ, có phân biệt quy định quản lý
đối với các giống cây trồng chính với các loại cây trồng khác.
QUẢN LÝ NGHIÊM NGẶT TỪNG KHÂU TRONG HOẠT ĐỘNG TRỒNG TRỌT
Liên quan đến chính sách đối với hoạt động trồng trọt, các đại biểu Tạ
Minh Tâm (Tiền Giang), Dương Tuấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu), Mùa A Vàng
(Điện Biên) đề nghị cần có chính sách và thực thi chính sách đối với
hoạt động trồng trọt. Theo đó, dự án Luật cần bổ sung nguyên tắc hoạt
động trồng trọt: Quản lý nghiêm ngặt từng khâu trong hoạt động trồng
trọt, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh,
bảo vệ môi trường, xây dựng và quản lý tốt thương hiệu trồng trọt Việt
Nam.
Bên cạnh đó, dự án Luật cũng cần có các quy định nhằm phát huy vai trò
các hiệp hội, ngành hàng, tổ chức xã hội, thúc đẩy quá trình liên kết,
tái cơ cấu hoạt động trồng trọt; đẩy mạnh liên kết hộ trồng trọt, phát
triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trang trại, các mô hình sản xuất lớn,
phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thích ứng với biến đổi khí
hậu.
Đề nghị ban soạn thảo rà soát lại tính khả thi trong các quy định về
điều kiện hoạt động của các chủ thể tham gia hoạt động trồng trọt, đại
biểu Tạ Minh Tâm nêu rõ: "Do đối tượng tác động của dự án Luật phần đông
là các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong thị trường nông nghiệp đa dạng, chịu
nhiều yếu tố tác động, cả chủ quan và khách quan, đặc biệt trong điều
kiện chuyển đổi cơ chế bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn từ “tiền kiểm” sang
“hậu kiểm.”
Do đó sự thông thoáng trong các yếu tố đầu vào trong hoạt động trồng
trọt cũng phải đồng nghĩa với sự minh bạch, chặt chẽ, hiệu lực, cũng như
bảo vệ cao nhất quyền lợi của các chủ thể trồng trọt, của các hộ nông
dân".
Đối với chính sách nhà nước về trồng trọt, đại biểu Tạ Minh Tâm thống
nhất với 17 chính sách Ban soạn thảo đặt ra về những nội dung Nhà nước
hỗ trợ từng thời kỳ và khuyến khích.
Tuy nhiên, theo đại biểu, để nâng cao hiệu lực thực thi chính sách, các nội dung trên cần cụ thể hóa hơn nữa trong dự án Luật.
Ban soạn thảo cần nghiên cứu, cập nhật các chính sách Chính phủ đã triển
khai quyết liệt trong thời gian qua về đẩy mạnh sản xuất, đổi mới cơ
cấu sản xuất, gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông
nghiệp, như mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng công
nghệ cao; mô hình chuỗi giá trị ở 3 cấp độ nhóm sản phẩm quy mô quốc
gia, nhóm sản phẩm quy mô cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản làng xã…
Về điều kiện sản xuất phân bón, đại biểu Hoàng Văn Hương (Sơn La) đề
nghị ban soạn thảo bổ sung thêm nội dung về điều kiện cấp giấy phép là
các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có kế hoạch bảo vệ môi
trường và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Quy định như vậy để bảo đảm cho các cơ quan nhà nước chủ động nắm được
kế hoạch bảo vệ môi trường của các tổ chức trước khi cấp phép; đồng thời
hạn chế được tình trạng các tổ chức, cá nhân sau khi được cấp phép chây
ì trong việc xây dựng phương án bảo vệ môi tường, gây nguy hại về môi
trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Liên quan đến nội dung kiểm tra nhà nước về phân bón nhập khẩu, đại biểu
Dương Tuấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) băn khoăn đối với quy định phân bón
nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng trừ các trường hợp
phân bón để khảo nghiệm; phân bón làm quà tặng; làm hàng mẫu; phân bón
tham gia hội chợ, triển lãm; phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học.
Đại biểu phân tích đối với trường hợp phân bón là quà tặng, nếu số lượng
ít - vài kilogam, để trưng bày thì không sao, nhưng với số lượng lớn
dùng để bón cho cây trồng nhưng không được kiểm tra chất lượng trước,
nếu sử dụng nhầm phân kém chất lượng, có yếu tố gây hại đến cây trồng,
thiệt hại sẽ không nhỏ.
Bên cạnh đó, phân bón tham gia hội chợ triển lãm là nhằm giới thiệu để
người dân mua về sử dụng, nếu không kiểm tra chất lượng trước khi tham
gia các hội chợ, để người mua về sử dụng phân bón kém chất lượng sẽ ảnh
hưởng đến người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, khó phân
biệt đươc phân kém chất lượng hay không.
TRÁNH NHẬP KHẨU TRÀN LAN CÁC GIỐNG CÂY TRỒNG KÉM CHẤT LƯỢNG
Quan tâm đến quy định về quản lý giống cây trồng, đại biểu Dương Tuấn
Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) băn khoăn đối với quy định yêu cầu chung về khảo
nghiệm giống cây trồng là giống cây trồng khảo nghiệm ở vùng nào thì
được cấp quyết định lưu hành ở vùng đó.
Đại biểu đặt vấn đề nếu có một loại giống cây đã được khảo nghiệm và phù
hợp với nhiều vùng, liệu có được lưu hành hay không và có cần khảo
nghiệm lại? Có được sử dụng giống cây trồng này phù hợp với thổ nhưỡng,
khí hậu tương ứng với các vùng hay không? Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo
cần làm rõ nội dung này.
Đối với quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đứng tên đăng
ký cấp Quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây
trồng, đại biểu Dương Tuấn Quân cho rằng nên bỏ cụm từ "tự công bố lưu
hành" đối với quy định tại khoản 3 Điều 31 "Tổ chức, cá nhân tự công bố
lưu hành hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền tự công bố lưu hành giống
cây trồng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, khi lưu hành giống cây trồng
không đúng với giống đã tự công bố lưu hành; lưu hành giống giả, giống
không đạt quy chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ
sở đã công bố; cung cấp sai thông tin về giống cây trồng và quy trình
sản xuất đã công bố".
Đại biểu phân tích hạt giống cây trồng do các tổ chức cá nhân nước ngoài
tự công bố lưu hành nhập khẩu về có thể không bảo đảm về nguồn gốc xuất
xứ, lưu hành và có thể tạo ra kẽ hở pháp luật trong việc nhập khẩn tràn
lan giống cây trồng kém chất lượng qua các tổ chức, cá nhân không bảo
đảm uy tín xuất khẩu.
Cùng nội dung quan tâm, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cũng đề nghị
dự án Luật cần bổ sung các quy định tăng cường thanh kiểm tra, trong đó
cần siết chặt quy định nhập khẩu giống cây trồng; bổ sung quy định chế
tài xử lý khi vi phạm; thiết lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý
các cấp, ngành, đia phương trong quản lý giống cây trồng, có như vậy
công tác quản lý xuất nhập khẩu giống cây trồng mới khả thi.
Cho ý kiến về quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất,
buôn bán giống cây trồng, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Thành phố Hồ Chí
Minh) đề nghị bổ sung thêm quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn
bán cây trồng phải có trách nhiệm bồi thường cho người trồng trong
trường hợp cung cấp nguồn giống không bảo đảm chất lượng, được xác định
là gây thiệt hại cho nhà nông, như kiểu bắp trồng không hạt như thời
gian vừa qua ở một số nơi.
Ngoài ra, hiện nay, công nghệ sinh học, công nghệ chuyển gen đang ảnh
hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong nước, do đó Ban
soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể theo hướng loại giống
chuyển gen cho sử dụng và không cho sử dụng.
"Loại giống chuyển gene đang nghiên cứu thí điểm đối với một số loại sản
phẩm chuyển gen cho sử dụng, cần bổ sung quy định về dán nhãn GMO đối
với sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen như thông lệ quốc tế, để người
dùng có thông tin và cân nhắc trong lựa chọn, sử dụng sản phẩm. Bên cạnh
đó, cần xem giống là một ngành sản phẩm hàng hóa đặc biệt có giá trị
cao, vì vậy cần nghiên cứu, bổ sung vào dự án Luật các quy định cụ thể
nhằm khuyến khích sản xuất giống, hạt giống, cây giống; quy định bổ sung
cơ chế về bảo hộ thương hiệu về giống cây trồng bản địa", đại biểu nêu
rõ.
Cũng trong phiên thảo luận sáng 9/11, các đại biểu đã dành thời gian
thảo luận các nội dung liên quan đến quản lý phân bón; phát triển thị
trường và thương mại sản phẩm cây trồng.../.
(TTXVN)