Thứ Tư, 27/11/2024
Môi trường
Thứ Tư, 12/10/2016 20:49'(GMT+7)

Quảng Nam: Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường

Lễ ra quân thu gom rác hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn tại Quảng Nam

Lễ ra quân thu gom rác hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn tại Quảng Nam

Ngày 15/11/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW được ra đời ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã khẳng định bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại, nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ngày 26 tháng 4 năm 2016, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 02-KL/TW về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Tỉnh Quảng Nam trong những năm qua thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường; công tác quản lý nhà nước về môi trường được chú trọng; công tác kiểm tra, giám sát đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường được tăng cường; một số vấn đề bức xúc và điểm nóng về ô nhiễm môi trường được xử lý có hiệu quả; đã huy động được sự đóng góp của nhiều tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư... 

Những chuyển biến trên thể hiện qua một số kết quả sau: trong 5 năm 2011-2015, đã có 153 xã, thị trấn vùng nông thôn thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Đề án quản lý chất thải rắn tại địa phương; đã đưa ra khỏi danh sách 19/25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (trong đó 3 cơ sở công ích và 16 cơ sở tư nhân); hiện có 02/7 Khu công nghiệp có hệ thống xử nước thải tập trung đạt quy chuẩn Việt Nam; 154/330 cơ sở có hợp đồng xử lý chất thải rắn khoảng 170 tấn/tháng, đạt gần 70% tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh. 

Ngoài ra, công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường được các hội, đoàn thể tổ chức vận động thực hiện như: Mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Câu lạc bộ “Phụ nữ thân thiện với môi trường”, "Hội Nông dân thu gom chất thải nguy hại ở đồng ruộng”, “Đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường”, “Cựu chiến binh tự quản bảo vệ môi trường ở thôn, khối phố”,... Bên cạnh đó, cơ quan quản lý về môi trường và tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh đã xây dựng và ký kết các văn bản phối hợp thực hiện kế hoạch hoạt động bảo vệ môi trường. Hiện nay, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã ký kết chương trình phối hợp liên tịch với 10 đơn vị, tổ chức hội, đoàn thể.  

Những kết quả trên cho thấy, trong những năm qua tỉnh Quảng Nam đã tích cực triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 41-NQ/TW và các văn bản pháp luật liên quan về bảo vệ môi trường. Kết quả đã rõ, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn những hạn chế nhất định về công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; vẫn còn những vấn đề bức xúc về môi trường chưa được giải quyết; nguồn kinh phí đáp ứng công tác bảo vệ môi trường chưa được đầu tư đúng mức.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian đến, nhất là khi Kết luận 02-KL/TW của Ban Bí thư mới được ban hành với nhiều điểm mới đáng quan tâm, Quảng Nam đề ra một số giải pháp sau:

Trước hết, xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường của mỗi người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, lối nghĩ thân thiện với môi trường. Tăng cường pháp chế, thường xuyên lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân và báo chí để nắm nguồn tin, kịp thời kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. 

Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong công tác đánh giá tác động môi trường để có những giải pháp phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. Phát huy chức năng giám sát của các tổ chức hội, đoàn thể nhân dân, cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường. Cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài.

Thứ ba, chú trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn tham mưu chính xác cho cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc cấp hay không cấp giấy phép đầu tư. Việc quyết định các dự án đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích trước mắt với những ảnh hưởng của nó đến môi trường về lâu dài. Thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, các dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi tổ chức và công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của những quy hoạch và dự án đó.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, mọi người dân tham gia bảo vệ môi trường, làm kinh tế từ môi trường; tạo điều kiện, hỗ trợ để các tổ chức phản biện xã hội về môi trường, các hiệp hội về thiên nhiên phát triển và đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Tăng biên chế cán bộ quản lý môi trường ở cấp phường/xã và có hình thức đào tạo phù hợp cho cán bộ quản lý môi trường cấp phường/xã. Quản lý, sử dụng kinh phí cho sự nghiệp môi trường một cách hiệu quả, kết hợp tăng chi từ ngân sách với đạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước

Thứ năm, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xử lý chất thải, nhất là chất thải công nghiệp, chất thải từ làng nghề, từ hoạt động chăn nuôi gia súc tập trung, chất thải đô thị, nông thôn; chú ý quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, chất thải y tế. Thúc đẩy việc phân loại chất thải tại nguồn, tái sử dụng, tái chế; sản xuất, thu hồi năng lượng từ chất thải, nhất là chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt. Triển khai thực hiện tốt Đề án Quy hoạch chất thải rắn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020; Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch hành động đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 và các chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác bảo vệ môi trường./.

Đan Thanh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất