Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 24/4/2016 15:50'(GMT+7)

Quảng Ngãi đẩy mạnh phát triển kinh tế 6 huyện miền núi

Tổng giá trị sản xuất toàn vùng năm 2015 đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 17,49% so với năm trước. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt 16,65%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Đến nay, tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 43,01%, công nghiệp, xây dựng 38,71%; dịch vụ 18,28%. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn các huyện miền núi đạt 6.714 tỷ đồng, tỉ lệ che phủ rừng đạt 61,2%. Bên cạnh đó, văn hóa – xã hội có những mặt chuyển biến tích cực, tương đối đồng bộ với phát triển kinh tế, giải quyết việc làm mới cho hơn 3.600 lao động/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm 6,5%/năm.

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 (khóa XIX) mới đây đã thống nhất đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu. Theo đó, 6 huyện miền núi phấn đấu đến năm 2020, tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm từ 38 – 39%; công nghiệp, xây dựng đạt 39% và dịch vụ từ 22 – 33%; có 98% hộ dân được sử dụng điện, 85% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm; hàng năm giải quyết việc làm từ 5.000 – 6.000 lao động…

Để đạt được chỉ tiêu này, tỉnh Quảng Ngãi cũng đề ra một số giải pháp như: Các huyện miền núi cần đổi mới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng công tác thông tin truyền thông nhằm nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân, khắc phục triệt để tâm lí trông chờ, ỷ lại. Các địa phương tiếp tục khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, nguồn lực để phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp; phát triển các vùng trồng cây chuyên canh tập trung dựa vào lợi thế của từng vùng, chú trọng phát triển cây quế ở Trà Bồng, Tây Trà, cây chè ở Minh Long…; triển khai thực hiện tốt các mô hình nuôi heo bản địa; phát triển vùng chăn nuôi theo hướng tập trung như nuôi dê ở Sơn Tây, Tây Trà, nuôi trâu ở Minh Long, Ba Tơ, nuôi bò ở Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ…


Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện giao đất, giao rừng cho dân sản xuất; nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước về rừng, đất rừng theo hướng đảm bảo các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều có đất, có rừng sản xuất. 6 huyện miền núi tiếp tục kêu gọi đầu tư một số cơ sở công nghiệp chế biến nông lâm sản ở những nơi có điều kiện; phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống; nâng cao hiệu quả hoạt động các chợ trung tâm huyện, trung tâm xã; đầu tư nâng cấp xây dựng các tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng khu vực miền núi. Ngoài ra, các huyện miền núi thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; có cơ chế chính sách hỗ trợ có điều kiện cho các hộ nghèo, hạn chế tối đa việc hỗ trợ không điều kiện, trong đó ưu tiên hỗ trợ sản xuất phù hợp với từng đối tượng, tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo…/.

Sỹ Thắng/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất