Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 23/5/2013 10:16'(GMT+7)

Quốc hội bàn các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội

Các đại biểu thảo luận ở tổ. (Ảnh: QĐND)

Các đại biểu thảo luận ở tổ. (Ảnh: QĐND)

Các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu tổng quát năm 2012, về ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Các ý kiến cũng tập trung phân tích nguyên nhân dẫn đến một số chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch từ đó đề xuất các giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm nay; phân tích những tồn tại hạn chế, những kinh nghiệm cần rút ra trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; bàn các giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Các bộ, ngành vào cuộc nhanh trong giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2013, đặc biệt là về các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới để thực hiện được mục tiêu tổng quát: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị-xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.”

Tán thành với Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đánh giá trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức đã có sự tác động lớn đến nền kinh tế đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, đất nước đã đạt được một số thành tựu.

Nhiều ý kiến đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế-xã hội 4 tháng đã có những chuyển biến tích cực.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có sự vào cuộc nhanh và tích cực để giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân và đáp ứng yêu cầu của Quốc hội. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 đã nêu rất rõ "có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu không đạt. So với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, có 7 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn và 6 chỉ tiêu không đổi." Đây là sự phản ánh khách quan những khó khăn của đất nước.

Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn băn khoăn về một số số liệu có sự "vênh" nhau trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu đánh giá lại vấn đề này.

Cùng quan điểm này, đại biểu Bùi Thị An cho rằng một số số liệu chưa thống nhất với nhau, cần có sự đánh giá đúng tình hình mới triển khai được các phương án thực hiện phù hợp.

Thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô

Qua thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với những nhận định trong báo cáo của Chính phủ. Năm 2012, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế. Nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, khẳng định vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển đất nước. Tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Văn hóa, xã hội, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí có những chuyển biến tích cực. An ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại, quốc phòng được tăng cường; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đã nêu lên thực trạng kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém. Áp lực lạm phát và nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô còn lớn; lãi suất, nợ xấu vẫn còn cao; sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản trầm lắng. Đời sống của người dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp vẫn còn khó khăn. Tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng, khiếu kiện còn diễn biến phức tạp. Các nhiệm vụ trung hạn nhằm tạo lập nền tảng cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững mới ở giai đoạn khởi động, thách thức còn ở phía trước.

Các đại biểu cũng cho rằng năm 2013, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa ổn định và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn.

Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế. Lĩnh vực an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cần tiếp tục được bảo đảm; tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Nhiều ý kiến tán thành với giải pháp các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động tái cơ cấu trong lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao và Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt. Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nhấn mạnh việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế cần xác định rõ mục tiêu và lộ trình kế hoạch thực hiện từng nội dung cụ thể; xác định nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành. Chính phủ cần có giải pháp kích cầu, xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ các nút thắt cho doanh nghiệp; giải quyết tảng băng về thị trường bất động sản... Tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến đánh giá cao việc thị trường vàng được quản lý tốt hơn theo cơ chế mới đã tích cực góp phần ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô; đề nghị xác định rõ cơ chế phối hợp thực hiện và trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nhiều đại biểu đánh giá cao các chính sách kịp thời của Chính phủ cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) cho rằng một trong những vấn đề cần lưu tâm hiện nay là tái cơ cấu ngân hàng thương mại. Theo đại biểu, đây là vấn đề khó làm, cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và đặc biệt là rất cần thời gian để thực hiện.

Nhiều đại biểu đề nghị cần quan tâm nhiều hơn nữa tới phát triển kinh tế biển. Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Nghệ An) cho rằng: đầu tư cho phát triển kinh tế biển chưa thỏa đáng so với tiềm năng, thế mạnh của biển mang lại; cần nghiên cứu để có cơ chế đầu tư phát triển về kinh tế biển, đảm bảo chủ quyền biển đảo của đất nước.

Đầu tư thỏa đáng cho khoa học công nghệ

Trên cơ sở tán thành với giải pháp tiếp tục triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, Chương trình quốc gia về đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao... một số ý kiến đại biểu đề nghị cần phát triển thị trường khoa học công nghệ, tăng cường quản lý đo lường chất lượng và bảo hộ sở hữu trí tuệ...

Đại biểu Đinh Xuân Thảo cho rằng tuy xác định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu nhưng hiện vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, xứng tầm và đề xuất nghiên cứu để đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực này.

Đề cập tới vấn đề xóa đói giảm nghèo, đại biểu Nguyễn Đức Hiền nhận xét trong báo cáo mới chỉ nêu ra các con số chứ chưa tập trung đi sâu phân tích nguyên nhân vì sao thực hiện được mục tiêu này, hiệu quả mang lại của chương trình đối với người dân. Theo đại biểu, nếu không có sự phân tích cụ thể dễ dẫn đến tâm lý ỷ lại của địa phương, không tự lực vươn lên để thoát nghèo bền vững và xây dựng các kế hoạch phát triển trong tương lai.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng báo cáo đánh giá mờ nhạt về vấn đề an sinh xã hội và đề nghị cần quan tâm hơn về lĩnh vực này.

Một số ý kiến nêu lên những vấn đề cần tập trung triển khai hiệu quả về cơ sở vật chất trường lớp, đầu tư cho giáo dục mầm non, sách giáo khoa... Tiếp tục triển khai thực hiện Luật giáo dục đại học, Chiến lược phát triển giáo dục và Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), khẩn trương hoàn thành xây dựng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập....

Một số ý kiến cũng tán thành với việc củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh; triển khai các biện pháp giảm quá tải bệnh viện, trong đó nghiên cứu cơ chế huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng mới một số bệnh viện tại các thành phố lớn; quản lý hiệu quả giá thuốc chữa bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. ./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất