Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế.
Dự thảo các Nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Trong đó,
một nguyên tắc quan trọng là các cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa
trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh
của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự
lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.
Ngoài ra, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh
hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của
Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã
được Quốc hội quyết định; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự
chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương...
Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế,
chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính
sách, tỉnh Thừa Thiên Huế với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An với 6 cơ
chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế chính sách.
Cụ thể, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ
vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay
không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.
Đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung
có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách
Trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với các tỉnh Thừa Thiên-Huế, tỉnh Nghệ An, ngân sách Trung ương
bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động
xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng
Chính phủ giao.
Còn với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho
tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng
biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt
quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so
với thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn quy định một số cơ chế đặc thù về
thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai
và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất...
Hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong quá trình thảo luận.
Trong phiên thảo luận trực tuyến chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến
về: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và
sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo
hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh
thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế
toàn dân trong hai năm 2019-2020.
Báo cáo trước Quốc hội trong phiên làm việc ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ
Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2020,
Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện
hơn 137,6 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2019.
Đáng chú ý, cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã thực hiện cung cấp dịch vụ
công trực tuyến ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính (27/27 thủ
tục), kết nối, tích hợp và cung cấp 15 dịch vụ công trên cổng dịch vụ
công quốc gia.
Đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo
hiểm xã hội năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hết ngày
31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt gần 16,2 triệu người,
bằng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt chỉ tiêu năm 2020.
Năm 2020 có hơn 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện,
tăng gấp 2 lần so với năm 2019, với tổng số tiền thu bảo hiểm xã hội tự
nguyện năm 2020 đạt gần 4 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, số người tham gia
bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,3 triệu người, giảm hơn 54,4 nghìn người
(tương ứng 0,4%) so với năm 2019. Số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp
khoảng gần 18,7 tỷ đồng, tăng 1.254 tỷ đồng (tương ứng 7,2%) so với năm
2019.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số người được hưởng các chế độ bảo
hiểm thất nghiệp tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất
nghiệp tăng (hơn 4,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng 35,7%) so với năm 2019.
Theo Báo cáo tóm tắt công tác quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm
2020 và việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13, đến 31/12/2020, số người tham
gia bảo hiểm y tế 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số;
trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu
người.
Tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 gần
40 nghìn tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng bảo hiểm y tế. Năm
2020, cả nước có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với
năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong khi thảo luận./.
TTXVN