Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
Ngày mai 24/3, Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV - sẽ khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Nhìn lại nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội dành hơn 1/3 thời gian để thảo luận dự thảo báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, đồng thời xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Quốc hội khóa XIV đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật) để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống.
Nhiều đổi mới quan trọng về quy trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được triển khai trong nhiệm kỳ như không ban hành Chương trình cả kỳ nhiệm mà tập trung xây dựng Chương trình hằng năm; tách bạch quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo.
Sau mỗi phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có thông báo kết luận về các nội dung lớn, nội dung còn có các ý kiến khác nhau trong từng dự án, dự thảo, làm cơ sở, định hướng để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoặc có báo cáo giải trình bổ sung trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Các hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được tăng cường, ngày càng đi vào nền nếp; hình thức thảo luận, lấy ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được tích cực đổi mới, đa dạng, bảo đảm đúng quy trình, có chất lượng, tiết kiệm thời gian.
Công tác giám sát của Quốc hội được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri, nhân dân đánh giá cao.
Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện khá hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, có tính xây dựng, góp phần bảo đảm tổ chức và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Trong nhiệm kỳ, 7 giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn "trúng" và "đúng" vấn đề mà cử tri quan tâm, là những vấn đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân.
Cách thức tiến hành được nghiên cứu đổi mới, cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả giám sát.
Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức "hỏi nhanh, đáp gọn" đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội.
Hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến rõ rệt, hiệu quả được nâng cao, nhất là trong việc giám sát chuyên đề, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri.
Trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng, khẳng định tính đúng đắn, sự cần thiết, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Điểm nhấn là việc đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26), Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng liên Nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA 41).
Bên cạnh đó, mô hình tổ chức phù hợp, phương thức hoạt động không ngừng được đổi mới, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và mối quan hệ phối hợp công tác được chú trọng là những nhân tố quyết định hiệu quả, góp phần tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong hoạt động của Quốc hội.
Kiện toàn 25 vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước
Quốc hội khóa XIV sẽ dành khoảng 7 ngày để xem xét, kiện toàn một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội lần này chỉ kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo Nhà nước chứ không kiện toàn tất cả. Sau khi bầu cử xong, đến tháng 7/2021, Quốc hội sẽ tiếp tục kiện toàn nhân sự cho khóa XV và việc tuyên thệ diễn ra bình thường theo quy định.
Tại kỳ họp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021.
Quốc hội xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; Xem xét, thông qua Nghị quyết của kỳ họp, trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Quốc hội sẽ dành khoảng nửa ngày trong kỳ họp để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Các nội dung về phạm vi điều chỉnh; trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; cai nghiện ma túy bắt buộc; cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi... sẽ tiếp tục được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến trước khi xem xét thông qua dự luật.
Dự kiến diễn ra đến ngày 8/4, nội dung nghị sự của kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV có nhiều nột dung quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng nhiều mặt tới đời sống nhân dân, đã được các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng.
Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được của toàn khóa để rút ra các bài học kinh nghiệm, là cơ sở để Quốc hội tiếp tục đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức, tạo tiền đề cho những hoạt động hiệu quả tiếp theo của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân./.
Theo TTXVN